Người tình trong bóng đêm
Người tình trong bóng đêm
Cô không thể nào thua được. Cô không có được thì người đàn bà kia cũng đừng hòng, cô phải phá nát ra hết. Anh nghĩ là có thể chấm dứt với cô sao? Không đời nào... Người bỏ rơi anh phải là cô, anh không có cái quyền đó. Cô sẽ trả lại anh cái mà anh đối với cô hôm nay. Cô lại suy tính một kế hoạch mới.
Sáng hôm sau, cô uống một vài viên thuốc ngủ, cô biết rõ chẳng có hại gì nhiều, sau đó cô gọi điện thoại cho anh và nói rằng cô đau khổ, muốn tự sát.
Y như sự tính toán của cô, anh chạy đến và cô lại khóc lóc, than thở. Cô nói anh đừng đoạn tuyệt với cô, cho cô thêm thời gian giảm dần tình cảm trong lòng mình. Cô sẽ cùng anh như những người bạn, thỉnh thoảng đi cafe, trò chuyện. Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, cô sẽ làm xong thủ tục để chuyển công việc và trở lại châu Âu, cô sẽ xa anh mãi mãi, không xuất hiện trước mặt anh nữa...
Cuối cùng, anh lại gật đầu đồng ý nhưng anh ấn định chỉ ba tháng thôi. Cô xoay mặt đi về hướng khác, cười đắc thắng.
Thời hạn anh nói gần hết mà cô không có cách nào làm anh quay lại với mình. Buổi chiều, cô lấy một cái cớ, hẹn anh lại nhà dùng bữa tối, đó chính là ngày kỷ niệm anh và cô quen nhau. Cô chuẩn bị khung cảnh lãng mạn, mặc một chiếc áo thật đẹp, tôn lên những đường nét quyến rũ trên cơ thể. Cô vừa sắp xếp xong thì anh tới, buổi ăn diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm áp.
Sau bữa ăn, lúc anh vào nhà vệ sinh để rửa tay, điện thoại của anh để ở góc bàn bỗng nhấp nháy. Cô cầm lên và định mang vào giúp anh nhưng nhìn màn hình hiện lên hai chữ "My Wife" cô bực tức. Tại sao chị ta gọi vào lúc này? Cô bật máy lên nghe.
Khi cô chưa nói tiếng nào thì đầu dây bên kia có một giọng nói nhỏ ngắt quãng: "Anh ơi! Sao em đau bụng quá!". Không cần nghe tiếp, cô đưa tay tắt hẳn nguồn và đặt điện thoại vào chỗ cũ như trước. Lòng cô tự nhủ: "Lại cái màn khóc lóc, giả vờ đau bụng, trúng gió, cảm lạnh của mấy bà vợ, cái trò con nít này, cô biết chơi từ lâu lắm!". Nhưng đêm hôm đó, dù rất khuya, anh vẫn ra về.
Gần hai tuần sau, cô cố gắng liên lạc với anh nhưng đều vô ích, anh biến mất như chưa từng tồn tại. Một buổi chiều, khi cô đi làm về, cô thấy anh ngồi chờ ngay trước nhà mình với hình dáng thất thần, suýt nữa cô không nhận ra anh. Cô vừa vào nhà, chưa kịp hỏi chuyện gì, đã thấy anh đưa ra những vật cô từng lén bỏ vào túi áo anh lúc trước, anh gằn giọng hỏi cô:
- Những thứ này là do cô lén bỏ vào phải không vì không thể vô tình mà nhiều như thế và lần cuối cùng tôi ở đây, chính cô là người tắt điện thoại phải không?
Trong khi cô còn ấp úng, định tạo ra lý do chính đáng, bào chữa cho mình, cô được nhận ngay một cái tát nảy lửa khiến cô ngã nhào. Mắt anh vằn lên những tia đỏ và gầm lên:
- Cả cuộc đời này, tôi không bao giờ tha thứ cho cô và cả cho chính tôi. Cô đừng để tôi gặp mặt thêm lần nào, bằng không, tôi sẽ giết cô đấy. Cô biết rõ tôi nói được, làm được. Cô có biết những thứ này làm cô ấy đau khổ, héo mòn trong im lặng không? Tôi là kẻ khốn nạn, làm tan nát gia đình, cô cũng không phải con người.
Tại sao tôi lại mê muội một con người như cô? Sao tôi không nhận ra cô chỉ yêu chính cô chứ làm gì có chuyện nghĩ cho người khác? Tôi tham lam còn cô vì mục đích mà bất chấp thủ đoạn. Chúng ta thật xứng với nhau, tôi và cô cũng sẽ có cái kết không ra gì đâu.
Anh ta cúi đầu thiểu não, bỏ đi, còn cô vẩn nằm bẹp dưới sàn nhà với ngổn ngang suy nghĩ. Qua thái độ của anh, cô biết chắc là vợ anh đã biết chuyện, thậm chí có thể đòi ly dị. Nếu không nghiêm trọng thế thì anh không xuống tinh thần thê thảm như vậy. Cuối cùng, cái cô muốn đã xảy ra... Cô tính không sai mà.
Cô mỉm cười, xoa xoa một bên má, nhủ thầm: "Cái giá chỉ là một tát tai thì cũng còn rẻ chán so với một gia đình. Anh ta đáng bị như thế, thật đáng đời". Tự nhiên, cô thấy mệt mỏi với tất cả những chuyện đã qua, cuối cùng thì cô cũng cô đơn một mình. Cô ngồi dậy, bước tới cái laptop trên bàn, viết đơn xin nghỉ phép hai tuần, định đi đâu cho thư thả...
***
Ba hôm sau, má Nhã Thụy gọi điện thoại từ quê lên, bà muốn đi tới một thành phố thuộc miền Trung và cần cô đưa tới vì có việc rất quan trọng. Bà lên Sài Gòn gặp cô. Sau bữa cơm tối, cô hỏi má:
- Chuyện gì mà phải gấp gáp, lặn lội ra tới đó vậy má, nhà mình đâu có bà con thân thích gì ở đấy?
Bà thở dài, chậm rãi, ánh mắt như nhớ về thời quá khứ xa xăm nào đó, bà nói:
- Đi thăm má lớn của con. Thật ra má cũng muốn nói với con từ lâu nhưng một phần má ngại ảnh hưởng tự ti của con cái, phần nữa, chuyện đã cũ, ba con đã mất, người trong cuộc ai cũng an phận, hạnh phúc mới nên thôi. Ngày xưa ông nội với ông ngoại con là bạn tâm giao và cùng làm ăn buôn bán chung. Hai nhà quý nhau như ruột thịt nên từ nhỏ bên nội con đã muốn cưới má cho ba con.
Khi lớn, má để ý, thương thầm ba con nhưng ba con chỉ coi má như cô em gái, một người bạn của thời niên thiếu mà thôi. Ba con đi học ở Sài Gòn, yêu cô bạn học chung tên Loan. Tuổi trẻ bồng bột thế nào đó, chị ấy có mang. Hay tin đó, bà nội con tức giận, tìm tới nói gia đình chị ấy không biết dạy con, muốn dòm ngó tiền của của gia đình bà. Nội con làm áp lực, bắt ba con cưới má và sau đó bắt ba về quê hẳn, nhằm cách ly họ.
Chị ấy sinh ra một bé gái tên Thủy, tính ra, lớn hơn con hai tuổi và vẫn nặng tình với ba con. Khi con được mười mấy tuổi, má có nghe phong phanh, họ còn qua lại gặp nhau. Đàn bà ai không ghen, không ích kỷ. Thế là Má dọa ôm em trai con cùng chết cho ba còn vừa lòng. Ba con thề là không qua lại nữa, má mới để yên.
Sau đó vài năm, Ba con mất đột ngột. Khi xong đám tang, lúc con đã trở về bên châu Âu. Chị ấy có lén về cúng mộ, vô tình má gặp được. Chị ấy bảo có chồng khác rồi và sinh thêm đứa con nhỏ. Bây giờ, chị ấy ở thành phố khá xa nên không hay tin và sợ xáo trộn gia đình mới nên chị ấy không đưa con gái cùng về.
Mấy năm trước, má nghe cô ruột của con - bạn học ngày xưa với em gái chị ấy, bảo con bé Thủy - chị cùng cha khác mẹ với con, kết hôn. Má có gửi quà mừng chứ không đi dự bởi má nghĩ ai cũng có cuộc sống riêng và những bí mật cá nhân. Má sợ xuất hiện của mình phiền chị ấy. Hôm qua, má nghe cô con báo tin, Thủy mất vì hậu sản nên má xin địa chỉ và nhờ con đưa má đi chia buồn. Dù sao cũng máu mủ và hồi xưa nói gì thì nói má cũng nợ người ta. Ở tuổi này, má không còn suy nghĩ nhỏ nhen hay hơn thua như thời trẻ".
Cô trầm ngâm nhìn má mình và nói:
- Thật ra con biết chị Thủy của mình, má à. Con lờ mờ từ lâu nhưng con không dám chắc và con cũng không dám hỏi má, sợ má buồn. Năm con 11 tuổi, trước một năm khi má gửi con qua dì du học. Trong khoảng thời gian đó, ba hay dẫn con lên Sài Gòn lấy hàng hóa. Đi chơi hay đi ăn, lúc nào cũng có một người đàn bà chở chị ấy tới để đi cùng con, đến giờ về thì lại tới đón. Chắc đó là bác Loan, con nghĩ như thế bởi nghe chị ấy gọi là "mẹ".
Con nhớ chị ấy hiền lắm, có lần con vấp ngã trầy chân, trong khi con khóc thì chị ấy đã cõng con. Ăn bánh hay ăn kem, cái gì chị ấy cũng nhường con hết, con hỏi tại sao, chị ấy nói: "Vì em là em gái của chị. Mẹ chị dặn làm chị phải thương và nhường nhịn em".
Ba dặn con là không được nói với bất cứ ai, ngay cả má, nếu không ba không dẫn đi nữa. Con ham đi chơi nên không nói nhưng con có thể xác nhận với má một chuyện: bác Loan chỉ đưa đón chị ấy chứ chưa bao giờ đi cùng. Rồi con đi du học, bao chuyện chất chồng cuốn theo. Thêm vào, con còn nhỏ nên câu chuyện cứ dần quên lãng. Đâu ngờ mạng người lại mong manh thế. Thôi để con đi đặt vé máy bay đi cho lẹ, con cũng muốn nhanh tới chia buồn.
Cuối cùng, cô và má cũng tìm đến được địa chỉ do cô ruột mình cung cấp. Đó là căn nhà nhỏ xinh xắn, có giàn hoa giấy phía trước sân. Khi cô nhấn chuông, một người đàn bà ra mở cửa.
Nhìn những đường nét trên gương mặt, cô vẫn nhận ra, đó là bác Loan - người đàn bà ngày xưa hay chở chị Thủy đến đi chơi cùng cô. Bác giải thích là chồng và con trai vừa ra ngoài có việc.