Old school Swatch Watches
Mỗi niềm vui - Một niềm lo

Mỗi niềm vui - Một niềm lo

Tác giả: Sưu Tầm

Mỗi niềm vui - Một niềm lo

Con gái nhảy chân sáo vào nhà với nụ cười tươi như trẻ con đón Tết. Thấy bố đang cặm cụi sửa chữa chiếc đèn pin bên cửa, không dấu nổi niềm vui sướng, con gái liền sà xuống.


- Bố ơi, bố xem này. – Con gái đẩy về phía bố giấy báo trúng tuyển Đại học, reo lớn. – Con đậu Đại học rồi, đậu công nghệ thông tin rồi.


***


Bố nhìn chăm chú tờ giấy báo, đầu ông cúi thấp, muốn nhìn cho rõ từng mặt chữ, đôi bàn tay dừng lại trên mớ dây xanh đỏ của chiếc đèn. Bố cười thật tươi, nụ cười rạng rỡ làm gương mặt nâu đen kia như sáng hơn lên, những nếp nhăn trên má, trên trán cùng dãn ra, xô cả lại bên khóe miệng. Bố muốn cầm lấy tờ giấy trắng mực đen trên tay con gái để đọc cho thật kĩ, nhưng sợ tay mình làm dơ nó nên vội vàng bảo:


- Con cất giấy đi, đừng để linh tinh kẻo vấy bẩn vào.


Con gái "Vâng" một tiếng lớn rồi chạy vào phòng. Bố vội gọi với khi chợt nhận ra mình chưa khen ngợi con lấy một câu.


- Con của bố giỏi lắm, giỏi lắm.


Mỗi niềm vui - Một niềm lo


Vừa lúc đó, ngoài cổng vang lên tiếng "kít" của phanh xe đạp. Biết là mẹ về, con gái phóng ra thật nhanh, líu lô khoe mẹ. Còn một mình, bố xếp gọn chiếc đèn vào trong hộp đồ. Bố mường tượng ra gương mặt của lão hàng xóm, cái lão có hai thằng con trai đậu Đại học ấy, khi nghe tin con bố đậu Đại học chắc là sẽ méo xệch và cái miệng thì nín thít. Cái lão ấy lúc trước còn vênh váo mà nói với bố một câu đầy ẩn ý rằng "Thi Đại học khó lắm, phải người học giỏi cơ, học bình thường thì thử làm gì cho phí tiền, phí công".Tức thật. Lúc ấy, bố không dám bạo miệng đáp trả, bởi nói trước thì bước không qua. Bây giờ thì...bố có thể chĩnh chện mà khoe với lão rằng con gái bố đậu Công nghệ thông tin cơ đấy.


Hơn hai tháng trước, bố đã trằn chọc không sao ngủ được khi thấy con gái miệt mài bên trang sách tới quá nửa đêm. Bố nhìn đồng hồ. Đã hơn một giờ. Vội mở cửa. Thấy con gái vẫn chăm chú, nét mặt con mỏi mệt. Bố xót lòng, giục con đi ngủ để ngày mai còn đến lớp. Bố biết mười hai năm trồng cây, giờ đã đến ngày hái quả, con đang kiên trì cho những ước mơ, hoài bão. Bố lo con học nhiều sinh ốm mà chẳng giúp được gì. Những đêm, con ôn bài tới giờ nào thì bố, mẹ thao thức tới giờ đó.


Ngày đưa con lên trường thi, ngày ngồi đợi con ngoài cổng trường oi bức và ngột ngạt, bố đứng ngồi không yên, chốc chốc lại ngó vào những giảng đường thấp thoáng đầu sĩ tử qua những khung cửa. Bố biết con gái đang ở trong đó. Không biết đề thi có khó lắm không? Con đã học qua chưa? Con có đủ bình tĩnh và tự tin để làm bài không? Mỗi lần tiếng kẻng vang lên, lòng bố lại nóng như không khí ngoài đường lớn. Thấy con ra ngoài với nụ cười trên môi, rồi ríu rít khoe làm bài tốt, lòng bố mới tạm dịu đi.


Những ngày con hồi hộp, nóng lòng nhận điểm thi cũng là những ngày bố lo âu không kém. Nếu con gái không đậu Đại học, bố cũng lo, không biết để con thi lại năm sau hay tìm việc cho con làm. Liệu rằng cuộc đời con có vất vả như bố, mẹ không? Nếu con đậu, bố vừa mừng vừa lo. Lo kiếm sao đủ tiền để chuẩn bị cho con nhập học. Lo con sống không quen giữa thành phố phồn hoa mà lắm cạm bẫy hại người.


Như lúc này đây, bố vừa mừng, vừa lo. Mừng thì ít mà tới bảy, tám phần lo nghĩ.


Tối đó, đợi con gái và hai con trai đi ngủ, bố, mẹ mới ngồi lại bàn chuyện. Mẹ mở khóa cái hòm tôn dưới gầm giường, nhẩm tính một lát, mẹ lấy ra ngoài cuốn sổ ghi chép nhỏ. Bố ngồi trên chiếc ghế đẩu ở nhà ngoài, nhấp một ngụm nước chè khô rồi khẽ hỏi:


- Mẹ nó đã họp phụ huynh cho thằng lớn và thằng út chưa?


Mẹ bước ra, ánh đèn dây tóc đỏ cam hắt lại làm gương mặt mẹ trở nên khắc khổ hơn bao giờ hết.


- Tôi đi họp cho cả hai đứa rồi – mẹ ngồi xuống cạnh bố rồi tiếp – mới nộp tạm cho mỗi đứa một nửa học phí. Còn sách vở, quần áo đã sắm đâu.


- Ấy, mẹ nó nói khẽ chứ. Mai gọi hàng sáo vào đong thóc đi, bán hết, chỉ để lại vừa ăn từ giờ đến mùa thôi.


Mẹ nhăn mặt, lắc đầu.


- Thóc rẻ lắm, từ từ hãy bán.


Bố thở dài khe khẽ, nói:


- Còn phải mua máy tính cho con gái., tiền thuê nhà, tiền nộp học đầu khóa và bao nhiêu thứ khác nữa. Phải bán thôi.


Mẹ ngồi lặng một chốc rồi cầm bút dự tính tiền bán thóc. Những con số nghệch ngoạc theo đường di chuyển của bàn tay nứt nẻ, chai sần in lên trang giấy nghe sột xoạt.


Trong phòng, con gái khẽ trở mình, hít những hơi thật sâu rồi thở những tiếng thật dài. Nó vừa cán đích một cuộc đua và đang chuẩn bị bước vào một vòng đua mới.


Phạm Vũ