XtGem Forum catalog
Mẹ kế

Mẹ kế

Tác giả: Sưu Tầm

Mẹ kế

Mẹ ghét trả lời tin nhắn, thường xuyên quăng cái điện thoại ở một nơi nào đó, đến lúc kiếm không ra thì quay như con rối " điện thoại, điện thoại, tìm giúp, nhanh lên". Mẹ không thích xem phim, hò hẹn, dạo phố, ngắm đồ, mẹ không có thời gian giải trí hay chính xác mẹ thích ngủ nhiều hơn. Mẹ không có khả năng chăm sóc mình tốt nhưng mẹ luôn nấu ăn ở nhà, dù các món mẹ nấu chỉ ở mức không gây ra ngộ độc thực phẩm. Tiêu chí nấu ăn hàng đầu của mẹ chế biến đơn giản, nhanh chóng, trong nhà dự trữ hàng lốc trứng và mì ăn liền. Mẹ không phải mẫu người phụ nữ đảm đang có thể chăm lo cho mình tốt. Nhưng mẹ là mẫu người có tinh thần trách nhiệm, làm việc gì cũng phải cố gắng làm đến tận cùng. Có thể đó là lý do lớn nhất mẹ không bỏ rơi tôi.


Hai tháng đầu mẹ nuôi tôi không khác gì một con thú hoang cần có thời gian để thuần dưỡng. Tôi không thể làm bất cứ việc gì, đến cả ăn cơm tôi cũng quên mất cách nhai, ngủ thường xuyên la hét. Mấy ngày đầu mẹ chỉ nới lỏng dây chói cho tôi, để thuận tiện cho việc ăn uống, vệ sinh. Tôi vẫn ghét mẹ, nhiều khi tôi không uống sữa mà cắn tay mẹ. Việc tắm rửa, cắt móng tay, móng chân thì không thể làm lúc tôi thức, chỉ còn cách cho tôi ngủ. Trong nhà không thiếu thuốc an thần, thuốc mê. Toàn để những chỗ tiện lợi để tiện sử dụng phòng trường hợp tôi lên cơn. Dần dần tôi không còn sợ mẹ nữa, các dây chói cũng được cởi bỏ nhưng tôi vẫn rất sợ người lạ, tôi không đi đâu chỉ quẩn quanh trong phòng. Đã không còn lê lết, tìm cách chui xuống gầm giường, quấn mình trong rèm cửa, tôi đã có thể nằm trên giường, sợ tiếng ồn.


Ba tháng tiếp theo tình hình sức khỏe của tôi tốt lên trông thấy. Nhận thức của tôi bằng một đứa trẻ ba, bốn tuổi bình thường. Tôi biết ngồi ghế, biết tự xúc đồ ăn, không sợ tắm nhưng vẫn rất sợ vật nhọn và kim loại. Tôi sẽ không để ai cắt móng tay và móng chân, dẫu mẹ đã làm mẫu rất nhiều lần và chứng tỏa nó không hề đau nếu biết cách sử dụng nó đúng cách. Mỗi lần nhìn mẹ cắt móng tay, móng chân kiểu gì mặt mũi tôi cũng tái xanh, sợ hãi chui vào chăn chỉ thò nửa cái đầu ra, hai tay che mắt, bao giờ tôi cũng kêu " Á, đau" trước khi mẹ cắt, còn mẹ thì cười " bình thường, chẳng đau gì cả. Muốn thử không"? Tôi vẫn đang tập nói. Chưa câu nào tôi nói quá năm từ. Phát âm cũng chưa rõ ràng, mẹ không bao giờ bỏ qua những lỗi như thế. Bao giờ tôi cũng phải nhắc đi nhắc lại cho đến khi rõ ràng thì mẹ mới chịu buông tha, có khi tôi phải luyện nói cả ngày. Mẹ bắt đầu dạy tôi học chữ, đọc cho tôi nghe rất nhiều chuyện và giải thích rất tường tận. Sau đó, mẹ thường hỏi lại và yêu cầu tôi đọc. Dĩ nhiên lúc này tôi vẫn đang học vẹt. Tôi có thể xem phim hoạt hình nhưng đều do mẹ chọn. Tôi có thể cười thoải mái ở nhà nhưng tôi vẫn không dám đi ra ngoài, vẫn rất sợ người lạ. Tôi bớt la hét, ít phải sử dụng thuốc an thần nhưng tôi vẫn còn sợ quá nhiều thứ, tôi có thể hoảng loạn nhưng chỉ cần nghe thấy giọng mẹ thì tinh thần của tôi sẽ ổn định. Mẹ đã đọc rất nhiều truyện rồi thu lại cho tôi nghe. Đôi khi mẹ thu cả giọng tôi.


Mẹ từng bước lôi tôi quay trở về với cuộc sống. Tôi được dạy dỗ một cách nghiêm khắc và nhiều hơn một đứa trẻ bình thường. Mẹ làm tôi đủ bận rộn để không còn thời gian trống để nhớ những ký ức đau buồn. Tôi có một lịch học đặc biệt ở nhà và được thay đổi theo tháng. Tôi đi ngủ lúc 12 giờ sau tiết mục đọc truyện đêm khuya, tôi thức dậy lúc 6 giờ 30 phút. Tự mình dọn giường, tập thể dục 15 phút, đánh răng, rửa mặt. Mẹ sẽ hướng dẫn tôi làm bữa sáng với những gì tôi thích ăn, có thể là cơm chiên từ tối qua, đôi khi là trứng chiên ăn cùng với bánh mì, thỉnh thoảng là cháo. Mẹ luôn bên cạnh tôi đến lúc tôi làm thành thục để chắc rằng tôi sẽ an toàn nếu không có mẹ ở nhà. Tôi khoái bữa sáng tệ hại của mình. Mẹ ăn món mẹ làm. Tôi có bữa sáng hoàn hảo với hai phần ăn khác nhau. Tôi không kén chọn món ăn vì tôi tự tay chế biến chúng. Tôi thích chế biến món ăn ra sao mẹ cũng đồng ý, thậm chí có những món đã phải đổ đi vì mùi của nó không khác gì chuột chết nhưng chưa một lần mẹ la tôi, lần nào mẹ cũng bảo " mẹ đang chờ món mới của con, không chừng con có năng khiếu làm đầu bếp". Mẹ thường để món của mẹ và tôi để so sánh không phải ở độ ngon mà ở mức độ gọn gàng, xào rau thì không nên có cọng bám vào thành miệng, cọng thì bay ra ngoài, nên dồn chúng lại tiện cho việc đậy nắp vung. Chén ăn thì nên dùng thìa vét cho sạch, đừng để giống cái máng heo, đồ ăn thừa thì gom lại một chén để đem đổ. Tôi chấp nhận mọi thứ vì tôi xem mẹ là một đối thủ cần phải vượt qua và vì mẹ chưa bao giờ chê bai tôi. " Cứ làm hết những gì con muốn thử nhưng nhớ báo trước cho mẹ biết, mẹ chưa muốn đi chơi xa không về". Mẹ nói.


Không chỉ có chuyện ăn uống, tất cả mọi chuyện trong nhà mẹ đều có mặt tôi. Thậm chí mẹ còn xem tôi đã trưởng thành, phòng của tôi mẹ không bao giờ đụng tay vào và cho phép tôi tự ý trang trí theo sở thích của mình. Song tôi phải đảm bảo gọn gàng, sạch sẽ. Tôi lau nhà 1 lần một tuần, hai ngày quét một lần hoặc đơn giản thấy nhớp thì tôi quét. Hai mẹ con sẽ tổng kết dọn nhà vào ngày cuối tuần.


" Uh, cũng khá đó chứ, có năng khiếu dọn nhà". Mẹ nói


" Con chưa bằng mẹ". Tôi nói.


Mẹ không nói mẹ bây giờ mà mẹ nói khi mẹ bằng tuổi con, có việc mẹ còn chưa biết làm và làm lần đầu bao giờ cũng rất lóng ngóng, lúng túng, vài lần thì sẽ quen, sau đó thì con có thể sáng tạo tùy ý.


" Sao phải học nhiều vậy mẹ"? Tôi hỏi


" Để bình tĩnh đón nhận cuộc đời dù có chuyện gì xảy ra chúng ta cũng đủ dũng khí mà đối diện với nó".


" Con thích ăn, thích ngủ, không thích làm gì hết". Tôi nói


"Con chắc chứ"?


Dạ.


Mẹ để cho tôi sống thử cuộc sống đó dĩ nhiên là tôi chẳng làm gì ngoài cái ước muốn ăn và ngủ, tôi không được phép làm bất cứ việc gì khác. Được vài ngày thì tôi chán ngấy. Ở bên cạnh mẹ, tôi được thử rất nhiều điều, cả những điều tưởng chừng như ngớ ngẩn, mẹ cũng không bao giờ ngăn cản. "Uh, nếu thích thì con thử làm đi, có mất mát gì đâu. Có chuyện gì xảy ra thì đừng trách mẹ". Có những việc tôi thử hại tôi, làm tôi đau điếng. Tôi trách mẹ "sao mẹ không nói với con".


- Con chắc là con nghe lời mẹ mà không phàn nàn, ca thán, khó chịu chứ?


- Dạ, không.


- Cũng tốt, bây giờ thì con biết được điều đó rồi.


- Tại sao mẹ biết những việc đó?


- Đọc sách. Mỗi loại sách khác nhau dạy chúng ta những tri thức khác nhau. Đọc sách để nhận thức đúng về thế giới, về con người, sách dạy chúng ta những điều bổ ích không chỉ có những điều tốt mà có những điều xấu, cái tốt chúng ta nên học, chúng ta biết cái xấu để tránh nó và nếu có mắc phải chúng ta biết cách đứng lên, không lún sâu vào.


Mẹ tôi mắc bệnh nghề nghiệp nặng nhưng không cực đoan mẹ luôn cho tôi những lý do hợp lý tại sao tôi phải học cái này, tôi phải học cái kia. Tại sao cái không thích thì càng phải chăm chú học, nghiên cứu kỹ lưỡng. Làm thế nào để hiểu người khác, cách tốt nhất là bắt chước giống họ. Mẹ rất bình dị, gần gũi không sao siêu, khó nắm bắt, mẹ thừa nhận mẹ đã từng mắc rất nhiều sai lầm không chỉ khi nhỏ mà còn cả bây giờ. Tôi thấy mình quan trọng khi mẹ hỏi ý kiến tôi " nếu là con thì con sẽ làm sao"?. Mẹ yêu tôi theo cách riêng của mẹ, nghiêm khắc, không để tôi sống mơ mộng, huyền ảo. Tôi phải luôn nhìn vào sự thật, tìm cách vượt qua nỗi sợ hãi bản thân " không phải không sợ hãi mà dũng cảm đương đầu với nỗi sợ" mẹ thường hay nói. Nếu con cứ tìm cách lẩn trốn nó thì nó sẽ quẩn quanh tìm con đến khi con ý thức được rằng con cần phải vượt qua nó, con vần vứt bỏ hay giữ lại nó.


Mẹ dạy tôi nhìn nhận đúng bản chất của sự việc, nhìn nhận một sự việc dưới vài góc độ. Mẹ dạy tôi cả những điều thầm kín, khó nói, dạy tôi có ý thức lớn lao về bản thân. Tôi chưa bước vào tuổi dậy thì đã được mẹ trang bị đầy đủ kiến thức giới tính. Mẹ không ngần ngại trả lời tôi những câu hỏi ngượng chín mặt, một phần mẹ là nhà tâm lý học.


Tôi không đi học ở trường vì vẫn còn rất sợ người lạ. Tôi vẫn tuân theo những môn học ở trường. Ngoài ra, tôi còn học vẽ, học đàn, học nhảy theo các khóa học trên mạng. Mẹ không ép tôi học hành quá căng thẳng với những môn học này. Mẹ rất chú trọng việc bồi dưỡng tâm lý, nghiên cứu con người và xã hội để tôi có cái nhìn toàn diện. Sách mẹ mua rất nhiều, chẳng khác gì một thư viện. Mẹ dạy cho tôi nghiên cứu vấn đề từ cơ bản, đơn giản nhất đến chuyên sâu. Đến khi tôi năm vững vấn đề đó thì mẹ mới chuyển qua vấn đề khác và quy trình cũng y như cũ. Mẹ sẽ đưa ra câu hỏi và tôi đọc sách để tìm câu trả lời hoặc tôi đọc sách đưa ra ý kiến của mình, mẹ sẽ nhận xét, đánh giá, hỏi tôi. Sau khi, tranh luận xong bao giờ mẹ cũng đưa tôi đi thực hành. Thời gian tôi chưa thể ra ngoài, mẹ bật video cho tôi xem, sau này khi tôi có thể ra ngoài thì đến chỗ mẹ làm việc. Tôi trở thành trợ lý cho mẹ. Đó là mãi gần mười năm sau.