Duck hunt
Lời yêu thương của bố

Lời yêu thương của bố

Tác giả: Sưu Tầm

Lời yêu thương của bố

Tôi sinh vào năm sửu, nên bản tính lì lợm và ương bướng như trâu. Bố bảo vậy.


***


Một cách ngược đời, tôi thích mặc đồng phục nam, cắt tóc thật ngắn thay cho áo dài và tóc bím thướt tha, lượn lờ trước mặt thầy giám thị xem thầy có phát hiện ra một đứa học sinh ngang nhiên chống lại nội quy nhà trường hay không.


Lời yêu thương của bố


Thi thoảng, tôi ôm con Cún cưng của anh hai, chạy ào ra đường, thả ùm xuống kênh rồi thích chí nhìn nó ẳng ẳng sục chân quẩy bơi vào bờ, lóp ngóp vào nhà với bộ lông ướt nhẹp.


Anh tôi gọi đó là trò chơi tàn nhẫn, nhưng tôi chỉ nhún vai thản nhiên, chỉ là thử khả năng chống chọi của nó thôi, nếu tôi đưa gậy cho nó bám vào, con cún sẽ tỏ rõ bản chất vô dụng của mình, mà như thế thì nuôi làm gì nữa. Suýt bị tát, nhưng tôi đã mau mắn chuồn được. Kể từ khi đó, tôi bị cấm bén mảng đến cái chuồng chó xinh xinh đằng sau nhà.


Nhà chỉ có hai anh em, mẹ đi làm xa 2,3 năm mới về một lần, lần cuối gặp mẹ là lúc tôi 12 tuổi, cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng bởi bố nhiều hơn. Ông dạy tôi cách sửa điện, làm những việc vặt cần thiết trong nhà. Cùng với anh hai, tôi giống hệt một thằng con trai thứ thiệt. Không mấy khó chịu vì điều đó, nhưng thỉnh thoảng, tôi cảm thấy tủi thân. Ngày nhỏ, nhìn tụi bạn gái váy hồng xúng xính vào lễ Tết, tôi thắc mắc không hiểu vì sao bố lại muốn tôi trở nên như thế.


Rồi một ngày, 17 tuổi, tôi phát hiện ra sự thật, tôi không có mẹ. Bà đã chia tay bố từ lần cuối cùng về thăm chúng tôi. Một cách ngây thơ, tôi vẫn tin rằng mẹ đi làm ở nước ngoài, và điều kiện khó khăn nên không thể về với bố con thường xuyên được. Tôi tìm thấy tờ đơn ly hôn trong ngăn tủ của bố trong lúc dọn dẹp. Bất ngờ, nhưng tôi không khóc.


Đã từ lâu, tôi không còn bận tâm nhiều về mẹ nữa. Sự tin tưởng chờ đợi đã không còn bắt nguồn từ nhớ mong. Anh hai đã lên thành phố học đại học được hai năm rồi. Trong một cái đầu chín chắn không có chỗ cho những gào khóc căm giận. Tôi quyết định im lặng. Những gì đã biết mà người khác không muốn cho biết, hãy cứ xem như một cơn gió thoảng qua.


Thầm nghĩ như thế, nhưng tôi không khỏi khó chịu. Năm năm trời sống trong sự che chở tránh tổn thương đến dày đặc, tôi giống hệt như một quả bóng bay căng phồng tâm trạng bay lơ lửng giữa không trung, có thể bụp thành trăm mảnh bất cứ lúc nào.


Sinh nhật 18 tuổi, tôi và bố ngồi đối diện nhau. Bộ đầm điệu đà bố mua cho tôi quả thật không phù hợp chút nào. Tôi ngọ ngoạy trong tư thế rụt cổ có đến hơn 10 phút. Thật kì quặc, thay vì mắng cho một vài câu, bố chỉ nhìn tôi và mỉm cười. Bố chìa cho tôi một tấm thiệp.


Năm nào cũng một tấm thiệp từ xa gửi tới. Thật buồn cười, chúng minh thư của tôi đã được làm 2 năm, tôi 18 tuổi, nhưng vẫn bị xem như một đứa trẻ ngây thơ ngậm vú giả trong mồm.


Lời yêu thương của bố


Có lẽ bố không biết, những tấm thiệp và ảnh của mẹ gửi về, tôi đã đốt chúng, từ rất lâu rồi. Việc bận tâm tới những ảo tưởng về một sự tốt bụng gán ghép, sự thương yêu bảo bọc giả tạo không nằm trong từ điển sống của tôi. Bố vẫn gồng mình lên chịu sự tổn thương và đau lòng ghê gớm, nhưng không biết rằng với một hũ thủy tinh, càng bao bọc nó càng dễ vỡ. Như tôi chẳng hạn.


"Con vẫn mặc quần hộp áo thun, vẫn giày khủng bố khệnh khạng. Lần đầu tiên trong đời, bố cảm thấy bất lực. Những quan tâm nhẹ nhàng không còn thay đổi được con nữa. Thật sai lầm khi bố nghĩ dạy con phát triển theo một cá tính mạnh mẽ là tốt.


Đã lâu lắm rồi, nhà mình không có hoa tươi, mà bố nghĩ nếu có chắc con cũng không biết cắm. "Con đã đốt hết rồi bố ạ, và đừng lừa dối con nữa." Giống hệt cách cư xử của con thường ngày, nhưng tim bố đau nhói. Bố không còn vui mừng khi con quyết đoán và chín chắn nữa.


Càng mạnh mẽ, con chỉ càng dễ bị tổn thương sâu sắc mà thôi. Bố nghĩ rằng che giấu sự thật là yêu thương con nhất, nhưng bố đã nhầm. Bố xin lỗi." Bố gửi cho tôi cái mail với tiêu đề là "Viết cho con." Chỉ ngạc nhiên thôi, nhưng tôi không trả lời.


Vượt qua kì thi đại học, tôi đã đi tới một thành phố rất xa, một cách chối bỏ, anh trai tôi chế giễu như vậy. Tôi không nghĩ thế nhưng cũng mặc kệ. Môi trường mới mẻ cuốn hút tôi, những bài học mới lạ, hoạt động hay ho, các chuyến đi thực tế dài ngày thú vị. Tôi bắt đầu làm thêm và hạn chế xin tiền của bố.


Anh hai về nhà, gửi cho tôi vài đoạn clip ngắn, bố trồng rau hay xem ti vi, cũng có khi chỉ đơn thuần là ngồi trước máy quay đểnói, với tôi. Mẹ không còn hiện diện trong các cuộc nói chuyện nữa. Cả ba người đều hiểu ràng mẹ là một từ khóa cấm kị mà chỉ cần nói ra, nó sẽ biến thành lưỡi dao cứa đứt tim không biết chừng.


Tôi vui vẻ chia sẻ với bố các dự định mới, về bạn bè, về cuộc sống thú vị ở thành phố hoa. Và hiển nhiên, một cách ngấm ngầm, những điều tôi kể sẽ là lí do chính đáng nhất cho việc tôi không có mặt ở nhà vào các kì nghỉ. Thương bố, thương anh, nhưng trong tôi có một con quái vật đang ngấm ngầm gặm nhấm điều đó.


Tôi sợ, chỉ cần đặt chân vào nhà, tôi sẽ thấy hình bóng của mẹ, người đàn bà lừa dối, cả những khổ tâm dằn vặt bố và anh hai đã giữ kín 5 năm trời, cuối cùng bị con bé tôi lôi ra, phơi bày đầy thách thức và chế giễu. Nỗi sợ hãi len vào tâm can, chui sâu lèn lõi vào các mạch máu.


Có lẽ bố nói đúng, càng chứng tỏ, tôi chỉ càng lộ rõ bản chất của một đưa hèn nhát, chỉ biết trốn tránh. Mãi mãi, dù gột rửa cách mấy, vẫn chỉ có một sự thật đọng lại. Tôi sẽ về thăm bố, vào một ngày nào đó, khi tất cả những nặng nề đã giũ bỏ, dù không biến mất nhưng nó chỉ còn là một vệt kí ức nhẹ nhàng vốn phải có.


Lời yêu thương của bố


Anh hai lên thăm tôi, mang theo một vài thứ đồ ăn để lâu được mà tôi thích. Trời se lạnh, chúng tôi mặc áo khoác đi dạo dọc sườn đồi, uống sữa đậu nành nóng, ăn bắp nếp nướng. Trong khoảng lặng vô thức, anh đột ngột lên tiếng:


- Sao em không về thăm bố?


- Anh không thấy à, em rất tất bật! – Tôi nhún vai.


- Đừng ngụy biên, nhóc con ạ. Chúng ta làm anh em bao nhiêu năm rồi, tại sao anh không biết em chứ. Đừng giận nữa, về đi, bố mong em lắm. – Anh hai thở dài.


- Em có giận gì đâu.


- Không muốn đối diện là một hình thức của giận dỗi đấy em ạ. – Anh tôi dài giọng – Anh không ở nhà thường xuyên, cũng lớn rồi. Người bố lo lắng nhất, là em đó.


- Anh nhầm rồi, em mới là đứa không thể nào bố lo lắng. Không phải vậy sao? Từ nhỏ tới giờ đã vậy. Bố dạy em mọi kĩ năng cần thiết, dạy em cách đương đầu, dạy tất cả, chỉ trừ việc dạy làm một đứa có tâm hồn nhẹ nhàng, biết yêu thương đúng cách. Cho tới khi không thể quay lại được nữa, thì nói gì? – tôi tuôn một tràng, và chỉ dừng lại, khi thậm chí còn không biết mình quá lời.


- Dần dần, em đã đi ra ngoài khả năng hiểu em, của anh rồi – Anh hai lắc đầu, thất vọng – Anh không can thiệp nữa, hãy hành xử theo những gì em nghĩ. Nhưng đừng để quá muộn để tìm thấy điều mình cần tìm. Vậy thôi.


Cuộc nói chuyện hôm đó tôi đã lãng quên. Cho tới khi tôi nhận thấy những cuộc điện thoại của bố thưa dần, anh hai không gửi clip của bố cho tôi nữa. Mỗi khi gọi về nhà, tôi không nghe thấy tiếng tivi len vào, thay vào đó là hơi thở nặng nề của bố, tiếng một ai đó lạ hoắc xôn xao.


Tôi đập ống heo, liên hệ với chị chủ quán cà phê xin ứng lương trước, rồi nặng nề xách vali ra bến xe vào giữa khuya, đón chuyến xe khách về quê. Bước chân vào nhà lúc sáng sớm, cảnh tượng đập vào mắt làm tôi không tin được. Bố nằm trên giường, đang truyền dịch. Anh hai bê chậu nước nóng dưới nhà lên, không ngạc nhiên lắm, buông thỏng một câu:


- Cuối cùng em cũng đã về. Anh định gọi báo, nhưng bố sợ em đang trong kì thi. Thay đồ rồi nghỉ ngơi, lát bố dậy đỡ mệt hơn chũng ta sẽ nói chuyện.


Một cách lạ lùng, tôi làm theo răm rắp. Không đặt ra những câu hỏi dồn dập, cũng chẳng một chút cảm xúc bất chợt nào. Tất cả trong tôi chỉ là sự lo lắng nặng trĩu và hối hận vô biến.


Tính cách ương bướng, tôi đã ném mình vào sự cô đơn không đáng có, rồi lúc giật mình thảng thốt thì đã thoi thóp trong nỗi đơn độc không cưỡng lại. Bố bị ung thư phổi, đã chuyển sang giai đoạn cuối. Những nổ lực hàn gắn, những tín hiệu yêu thương chuyển đi, chỉ mong ở tôi một sự chuyển mình, một sự trưởng thành thật sự.