Old school Easter eggs.
Hội trốn chồng

Hội trốn chồng

Tác giả: Sưu Tầm

Hội trốn chồng

Đấy là cái kết cho một bi kịch hôn nhân. Tôi đến dự đám tang chị, thấy nước mắt của đám đông dồn vào người nằm trong linh cữu còn ánh mắt thì đổ dồn vào người chồng đang đứng cúi gằm, trên khuân mặt là sự thản nhiên, vô cảm. Có thật thế chăng? 


***


Hội trốn chồng


Chẳng biết là may mắn hay bất hạnh khi 18 tuổi tôi đã được lẽo đẽo theo chị rúc vô quán cafe vườn với không gian tranh tối tranh sáng ở cuối một con ngõ nhỏ. Bao giờ cũng có sẵn ba người phụ nữ khác đang ngồi chờ chị, họ tự đặt tên cho nhóm là "Hội trốn chồng".


Các chị uống cafe thật đắng, phần của tôi là cốc nước cam cho nhiều đường ngọt lịm. Bao giờ cũng là khoảng lặng ban đầu, không ai nói với ai điều gì chỉ nghe thấy tiếng thở dài thi nhau buông thõng vão không khí.


Đến khi ai đó bắt đầu bằng hai từ "giống đực..." là câu chuyện được bàn tán sôi nổi, ngôn ngữ bung ra va vào nhau phát lửa. Tôi bị bỏ rơi ngồi co ro, ngơ ngác nhìn những người đàn bà hùng hổ, căm phẫn, giằng xé và nhàu nhĩ. Nên khi 18 tuổi dù chưa yêu một ai nhưng đàn ông đối với tôi không hẳn là một khái niệm mơ hồ...


***


Chị tên Hoàng Yến, tôi thích tên chị ghê lắm thậm chí còn ghen tị hoài. Cái tên nghe kiêu sa, rực rỡ như thể chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ trang hoàng cả đời người. Chị hơn tôi chín tuổi, xinh đẹp, giàu có lại thành đạt khi vừa làm trưởng ban biên tập cho một tờ báo văn nghệ vừa mở chuỗi cửa hàng thời trang riêng.


Tôi chỉ là đứa sinh viên năm nhất thích viết lách linh tinh. Nhờ vài ba lần đến tòa soạn sửa bản thảo tôi may mắn quen được chị. Không lâu sau chị kéo tôi về trông một cửa hàng quần áo gần ngay nhà chị, lương trả cũng ổn, ăn ngủ tại quán, tính chị lại thoải mái nên tôi rất hài lòng.


Trước kia tôi nhìn cuộc đời như một phép tính rất đơn giản. Giàu cộng xinh đẹp là hạnh phúc, nghèo cộng cô đơn thành bất hạnh. Thế nên vào một ngày mưa tầm tã, chị đến quán đổ ập vào tôi bằng nồng nặc mùi rượu và nước mắt, tôi đã nghĩ thế gian này thật là điên đảo. Chị đốt thuốc lá cả đêm, than phiền bằng những câu chuyện đứt quãng. Ngay cả lúc đó, qua màn đêm mờ ảo tôi vẫn thấy chị rất đẹp. Chị bảo:


- Ông trời chẳng cho ai cái gì toàn vẹn. Hạnh phúc thì lại càng không. Chắc thấy chị sắm nắm gần đủ hạnh phúc cho mình nên số phận phải quẳng vào đời chị một căn bệnh tàn nhẫn và một thằng đàn ông chẳng ra gì. Đủ để tàn rạc cả một đời người!


- Em cứ nghĩ chị đã rất hạnh phúc!


Chị cười khậc, nhả khói thuốc nồng nặc khắp phòng rồi nói tỉnh khô, ráo hoảnh:


- Bọn đực rựa, toàn một lũ chẳng ra gì.


Sáng hôm sau, khi tỉnh rượu, mặt hiền khô, chị nhìn tôi chớp chớp hàng mi hỏi:


- Hôm qua chị say rượu, có nói gì quá làm em sợ không cưng? 


Tôi khẽ lắc đầu. Chị mệt mỏi gượng dậy, vớ tạm một bộ quần áo trong cửa hàng để thay, lại son phấn đến cơ quan. Trước khi đi chị nhìn tôi bảo:


- Đừng buồn chị nghe cưng! Cuộc đời không phải một màu hồng, em còn bé quá chị không muốn bôi đen màu trời của em đâu nhưng cũng đừng kì vọng vào cái gì quá. Nhất là tình yêu cưng nhé!


Tôi nhớ rất kĩ như nuốt từng lời chị nói dù ngay lúc đấy tôi chẳng hiểu đúng sai thế nào. Nhưng ánh mắt chị nhìn tôi rất thân tình, ánh mắt của một người như sắp không còn đủ sức lực để đứng vững, có thể đổ gục xuống bất cứ lúc nào.


Tôi nhìn dáng chị đi liêu xiêu trong gió giống như chú chim Hoàng Yến dã dời sau một đêm mưa giông gió dữ, tan tác không biết về đâu. Hoàng Yến ơi! Hoàng Yến...


* * *


Bốn người đàn bà ngồi quây quanh một chiếc bàn tròn, cafe đen đặc. Mỗi người một kiểu tóc, tém, xù, xoăn, thẳng, mặt trát phấn son che đi những quầng mắt thâm sì vì mất ngủ.


Tôi nhấp từng ngụm nước cam ngọt lịm, lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ, từng ánh nhìn của họ. Cảm giác như đang ngắm chiếc đĩa nhạc xoay tròn, tai nghe những âm thanh phát ra. Khi sâu lắng da diết, khi trầm buồn ảo não, khi gấp gáp chói gắt, khi lại như lặng thinh chờ đợi đến ngẹt thở. Chị Hoàng Yến bao giờ cũng là người khơi lửa cho một đám cháy phừng phừng bằng câu hỏi:


- Giống đực nhà các bà dạo này thế nào?


Ngay lập tức bằng ấy cái mồm sẽ thi nhau xổ ra một tràng:


- Theo bà thì hắn còn việc gì ngoài ấp gái. Bố khỉ!- Chị Hân nói rồi cười khan. Tôi ấn tượng cái điệu cười khan, khô khốc như tiếng nấc nghẹn của chị. Điệu cười như mặc kệ như bất cần, cười như giễu cợt chính mình, có lúc lại như vỡ vụn...


- Ngập ngụa trong mớ lý luận vớ vẩn! Đời với gã chỉ có vậy, chẳng cần biết gì xung quanh. Kể cả vợ con hắn có đói nhăn răng, có vì kiếm đồng tiền trang trải mà bị thiên hạ hất mắm tôm vào mặt thì gã cũng chẳng bận tâm gì. - Chị Phương vẫn thường than phiền về người chồng vốn là nhà phê bình văn học của mình. Mỗi lần nói về chồng môi chị chề ra chê bôi kèm một cái nhún vai rất thảm. 


- Anh ấy vẫn vậy, đi đi về về trong sự dửng dưng. Quen coi mình chẳng hề hiện diện trong căn nhà. Mình thấy sợ ngôi nhà của mình vì nó càng ngày càng giống địa ngục. Hãy nói cho mình biết giờ phải làm sao? - Có lẽ chị Miên là người tôi có cảm tình nhất vì đôi mắt lúc nào cũng thăm thẳm buồn, nụ cười hiền đến tội nghiệp và một cơ thể mong manh như sắp vỡ.


Chị thường ít nói, mặt cúi xuống vân vê những ngón măng. Trước vẻ đẹp ấy, tôi ít khi chú ý đến câu chuyện về người đàn ông đời chị. Cho đến khi tôi hay tin chị chết. Tự tử.


***


Hội trốn chồng


Đấy là cái kết cho một bi kịch hôn nhân. Tôi đến dự đám tang chị, thấy nước mắt của đám đông dồn vào người nằm trong linh cữu còn ánh mắt thì đổ dồn vào người chồng đang đứng cúi gằm, trên khuân mặt là sự thản nhiên, vô cảm. Có thật thế chăng? 


Hoàng Yến của tôi chắc hẳn rất đau lòng khi phải đến tiễn bạn trong một ngày trời nhiều gió, gió đến se sắt lòng người. Chị nhìn chồng bạn bằng ánh mắt căm giận như chỉ trực lao vào mà cắn xé. Cả ngày hôm sau chị đến quán ngồi đốt thuốc, mùi khói thuốc nồng nặc khiến khách nào vào cũng phải lắc đầu. Chị mặc kệ, chẳng thiết tha gì, tôi nhìn chị đẹp buồn đến xót lòng.


Chị bảo:


- Nếu ngày mai chị cũng kết thúc cuộc đời mình như chị Miên thì cưng có buồn không?


- Buồn chứ! Lấy ai chơi với em nữa, ai nấu cháo hến cho em ăn, ai bênh vực em khi bị bắt nạt. Thế nên chị đừng nghĩ đến việc điên rồ ấy nghe chị!


Chị khẽ gật đầu, mắt nhắm chặt, nước mắt lặng lẽ chảy tràn má mờ ảo trong làn khói thuốc. Rồi chị nói đứt quãng như kẻ sắp đuôi sức:


- Nhưng ở đời có nhiều khi phải chọn sự điên rồ, bởi chỉ có nó mới đủ mạnh để chấm dứt mọi nỗi đau. Đúng hay sai mà làm gì, còn nghĩ được đúng sai thì còn là hạnh phúc. 


Tôi lại ngồi gần chị như chỉ mong nếu cái dáng ngồi xiêu vẹo kia có lỡ đổ ập xuống thì còn có mình chống đỡ. Tôi ngồi miên man nghĩ ngợi về cái chết của chị Miên, về cách một người đàn bà đẹp kết thúc cuộc đời mình bằng thuốc độc. Tôi hỏi chị:


- Chồng chị Mộc Miên không hề yêu chị ấy hay sao?


- Không! Thằng cha đó rất yêu vợ là đằng khác. Nhưng yêu một cách quá ích kỉ, hẹp hòi.


Bảy năm rồi, lấy nhau đã bảy năm mà hắn vẫn không quên được cái đêm tân hôn khi biết việc vợ hắn không còn trinh trắng. Em bảo loại đàn ông như thế có tồi tệ không chứ? Bảy năm, quá ngắn cho một cuộc hôn nhân nhưng quá dài cho một cái chết. 


- Thế đâu phải là tình yêu hả chị?- Nhưng Mộc Miên thì yêu chồng lắm. Yêu trong mỏi mòn như thế, không cần thuốc độc thì sớm muộn gì cũng sẽ chỉ còn lại linh hồn. 


Tôi ngẩng lên nhìn gương mặt ướt nhòe nước mắt của chị mà bất giác thốt lên:- Chị ơi!- Sao vậy cưng?- Tình yêu là gì mà khiến con người ta điêu đứng thế?


Chị lại cười khậc, đứng lên đi xiêu vẹo ra khỏi quán, vừa đi vừa ngân nga "Hỡi thế gian tình ái là chi?". Không lâu sau đó vợ chồng chị ra tòa li hôn.


Chị dặn tôi đến đón chị ở cổng tòa án chắc vì chị sợ cái giác phải bước đi một mình khi mà người ta có cả một gia đình khác đang chờ sẵn.


Tôi nhìn bộ dạng hả hê của người đàn ông từng là chồng chị suốt gần chục năm trời đang đón từ tay người đàn bà khác đứa con nhỏ và hôn hít nó. Rồi tôi ngoảnh nhìn chị chỉ thấy hình ảnh chiếc lá xác xơ, cố bấu víu vào cành qua nhiều mùa giông bão. Để rồi khi không thể gắng gượng được nữa thì buông tay rơi xuống đất trong ê chề thất bại.


Chị đã thôi không còn đốt thuốc triền miên, thôi cả những cơn say quăng mình ra màn mưa như một kẻ khùng. Chị cứ ngồi đó, lặng yên một cõi, hình như khó khăn lắm thi thoảng chị mới ngẩng lên gọi "cưng ơi!". 


* * *


Hội trốn chồng của chị giờ chỉ còn có ba người. Chiếc ghế trống được đặt vào đó một ly nước cam bỏ nhiều đường ngọt lịm. Khoảng lặng ban đầu kéo dài hơn, ngọn lửa hờn giận chất chứa trong lòng cũng ít bùng hơn. Còn tôi đã bắt đầu không thích vị cam ngọt lịm, dĩ nhiên cafe là thứ tôi không ưa thế nên chị gọi thay cho tôi một cốc nước lọc đầy. Tôi giục chị đi tìm người khác, chị xoa đầu tôi bảo:


- Nhỏ khờ quá à! Đàn bà không sinh được con như chị khác gì cau điếc, ai nó thèm.


- Có nhiều cách để có một đứa con mà chị. Thời buổi này có thể nhờ khoa học can thiệp, cùng lắm thì xin một đứa con nuôi. Đâu phải không có con thì tình yêu của hai người cũng hết đâu.


- Con nhỏ này đúng thật khờ! Cuộc đời mà màu hồng như thế đã chẳng có cái hội trốn chồng này. Tình yêu ư? Cái đó dần dần sẽ trở nên xa xỉ như chính trong ngôi nhà của chị. Giống đực nhà chị đấy, nó vùi đầu vào ngực đàn bà suốt ngày nhưng mà cũng chỉ vì nhục dục chứ yêu đương cãi nỗi gì.