Snack's 1967
Giá như...

Giá như...

Tác giả: Sưu Tầm

Giá như...

Thoa đã đánh đổi tuổi xuân cho cái sự nghiệp vô nghĩa này mà, giá như ngay từ đầu Thoa hiểu rằng Thoa là một phụ nữ trước khi là một bà tiến sĩ, một trưởng khoa oai vệ thì có lẽ Thoa đã khác.


***


Tiết dạy thứ 4 thế là xong. Đám sinh viên kêu rên lạo xạo "Tiết cuối rồi sao mà cô dạy lâu quá rứa trời? Đói bụng chết đi được." Rồi thì chúng ùa ra, chúng lấn Thoa ép sang hẳn một bên.


Cái đám sinh viên này làm gì mà vội thế, có cơm nước, có con cái gì đâu, Thoa còn không vội nữa là, mà có vội để làm gì. Trước đây thì Thoa vội thật. Vội để làm cho xong cái luận án tiến sĩ. Vội để còn về lo cơm nước cho chồng và cả gia đình "tứ đại đồng đường" tiêu biểu bên nhà chồng nữa.


Sao bây giờ Thoa có nhiều thời gian quá đỗi thế này?


Giá như...  


Thoa học xong đại học năm 24 tuổi. Vốn xuất thân từ một gia đình gia giáo với hai đời ông nội và bố mẹ đều làm nghề dạy học, Thoa nhận tấm bằng đỏ ngành Ngữ văn ra trường và được giữ lại làm giảng viên cho trường. Thoa vui mừng đến tột độ bởi có thể được tiếp tục nối nghiệp bố, mẹ. Thoa hãnh diện khoác tà áo dài tím rất Huế mà Thoa yêu đến mê mệt, cỡi con xe wase mới toanh đến trường.


Thoa đến trường không phải để học mà để tập sự làm giảng viên. Nghĩ cũng hay, suốt thời sinh viên Thoa luôn nổi tiếng nhất khoa về học giỏi, hát hay, hoạt động phong trào tốt lại xinh đẹp, ăn nói duyên ơi là duyên thế mà Thoa chẳng có mối tình vắt vai. Nói không có là không đúng mà phải là Thoa chẳng bao giờ và cũng chẳng có thời gian để ý đến ba cái chuyện yêu đương nhăn nhít ấy. Đến ngày ra trường Thoa mới biết có tỷ anh chết mệt vì mình. Nhưng biết cũng chỉ để biết thế thôi. Một năm, hai năm lũ bạn của Thoa lần lượt cắp nón theo chồng, Thoa vẫn đi về một mình trước cái nhìn ngẫng ngơ của bao chàng si tình.


Rồi Thoa gặp anh trong một ngày Huế mưa lạnh. Đó có lẽ là duyên nợ mà Thoa phải gặp. Năm đó, mùa đông đến muộn. Thoa vẫn than vãn vì mấy chiếc áo len mẹ mới đan đẹp ơi là đẹp chẳng có cơ hội đêm ra khoe đám bạn. Sáng Thoa còn ngắm nghía chiếc áo mà đi dạy trong tiếc nuối "trời mùa đông chi mô mà nắng như đổ lửa!"


Thế nhưng đến chiều, bước ra khỏi lớp mưa đã giăng kín trời. Huế vẫn thế, sáng nắng là vậy nhưng chỉ cần mưa được là mưa dầm dề cả nữa tháng trời không thôi, không khí chuyển sang lạnh ngay lập tức. Đứng co ro cuối dãy nhà xe, Thoa chỉ mong mưa bớt nặng hạt để còn về.


- Chào cô! Mưa to quá cô hèo? Mưa ri không khéo lụt chẳng chơi.


- Dạ. Thoa quay đầu nhìn, một gã thanh niên cao lớn, phong độ đứng ngay sau Thoa. Trông bộ dạng hình như cũng là giáo viên trường này. - Thời tiết Huế mình chán thiệt thầy hè?


- Rứa cô không bới áo mưa theo à?


- Dạ, khi sáng trời còn nắng nóng rứa mà. Ai biết được chừ mưa lạnh ri mô!


- Thì tôi cũng giống cô nên chừ còn đứng đây nì! Mà cô dạy ở khoa mô rứa?


- Dạ em dạy khoa Văn thầy ạ! Còn Thầy?


- Tôi dạy khoa Toán. Chà, khoa Văn nghe nói vui lắm hả cô? Chả như khoa Toán tôi cứ khô khốc, cộc lốc.


Thoa khẽ cười vì nhận xét khô khốc, cộc lốc của người đồng nghiệp.


- Em cũng chỉ mới vô khoa được hơn hai năm thôi thầy ạ! Còn nhiều bỡ ngỡ lắm.


- Trời! Hai năm còn bỡ ngỡ chi nữa. Tôi thì dạy ở đây được gần năm năm rồi.


Giá như...


- Rứa chắc thầy dày dạn kinh nghiệm lắm rồi, thầy hỉ? Em nhiều khi còn sợ đám sinh viên lắm, chúng nghịch hơn hồi xưa thầy hè?


- Chà, dạy chặp rồi cũng thấy ngán ấy mà. Nói chuyện nảy chừ mà chưa biết cô tên chi, thiệt vô duyên quá, cô thấy, đúng là dân toán mà!


- Dạ, em là Thoa ạ! Còn thầy là...


- Tôi là Bình, đến khoa toán cô cứ hỏi Bình Zero là ai cũng biết.


- Răng gọi là Bình Zero hả thầy?


- Thì vì tôi chẳng có chi hết nên gọi là Zero. Mà thôi, đứng đây thì biết đến khi mô mới hết mưa mà về, không khéo đến tối nước ngập hết đường rồi mất công lội bì bỏm. Cô đợi tôi tý.


Nói xong, Bình lao nhanh ra ngoài trời, dáng Bình nhanh nhẹn, rắn rỏi dưới màn mưa dày đặt. Thoa nhìn theo rồi khẽ nhoẽn miệng cười "cái anh ni cũng hay thiệt". Chưa đầy năm phút sau, Bình đã quay lại, trên mình khoác chiếc cánh dơi xanh lục.


- Đây, cô dùng tạm mà về chứ tối.


Nhận chiếc áo mưa trên tay Bình, Thoa chưa kịp nói cảm ơn, Bình đã phân bua:


- Tôi nghĩ cô con gái, dạy văn chắc là thích màu hồng, tôi tìm mãi nhưng chẳng có màu hồng nên mua tạm cái màu đỏ cho cô. Hồng hay đỏ cũng rứa, cô hèo?


- Cảm ơn thầy, ri là tốt lắm rồi thầy ạ!


Thực ra Thoa ghét cay ghét đắng cái thứ màu đỏ chói chang ấy, cứ làm như mỗi mình nó là có màu hay sao mà lúc nào cũng chói chang, lòe loẹt. Màu hồng cũng vậy, cứ như cô con gái nhà giàu lúc nào cũng thích đỏng đa đỏng đảnh. Thoa chỉ yêu mỗi màu tím. Màu tím Huế cứ man mác, hiền dịu, e ấp mà Thoa vẫn bảo sao giống hệt mẹ Thoa vậy, giống hệt cô gái Huế chính gốc.


- Nhà cô ở mô?


- Dạ, nhà em ở Kim Long, khu Phú Mộng đó thầy!


- Nhà tôi cũng ở khu nớ! Rứa mà răng lâu ni tôi không biết cô hèo?


- Dạ, nhà em mới chuyển tới đó được vài tháng thôi thầy ạ! Trước đây ba mạ em đi dạy nên được cấp nhà ở dưới chung cư Đống Đa đó thầy, chừ nghĩ hưu rồi nên mới về trên nớ.


- Rứa à, rứa chừ mình đi về cùng đường hè!


Chẳng kịp nói thêm câu nào nữa, hai chiếc xe lao nhanh trong màn mưa. Nhà Bình nằm ở đầu con hẽm, có kiến trúc cổ với ba gian hai chái, khu vườn thì rộng cả ba bốn hecta với đủ loại cây ăn quả. Thì ra đây là ngôi nhà mà ngày nào đi dạy ngang qua đó Thoa cũng ao ước, thèm muốn. Chả như nhà Thoa, lúc ở chung cư đâu vỏn vẹn bảy, tám chục mét gì đó. Giờ có rộng hơn cũng chỉ trăm hai chục mét vuông.


Sau buổi gặp gỡ tình cờ đó, lại thêm là hàng xóm xa xa nên cả hai càng có thêm cơ hội tiếp xúc với nhau. Những buổi đi làm chung đường về chung lối là những cuộc trò chuyện huyên thuyên.


Đến bây giờ Thoa cũng không giải thích nỗi vì sao cả hai lại có thể có nhiều chuyện để nói với nhau đến thế. Bình thì khô khan, tự nhiên và thực tế còn Thoa lại là điển mẫu của tuýp người lãng mạn, mơ mộng, ăn nói trau chuốt, nhẹ nhàng. Thế nhưng, thay vì khó chịu, cả hai lại xem đối phương như là sự bù đắp những thiếu hụt của bản thân.


Thoa thiếu đi cái nhìn thực tế trước cuộc sống muôn màu, còn Bình thèm lắm chút dịu dàng, mơ mộng của cô gái Huế chính gốc như Thoa. Vậy là họ yêu nhau, yêu nhau say đắm bất chấp bao lời bàn ra tán vào của bàn bè từ hai phía.


Và rồi họ cưới nhau.


Ngày cưới, Thoa là cô dâu xinh đẹp nhất trong mắt Bình nhẹ nhàng nép khẽ vào vai Bình như nép vào chốn bình yên của cuộc sống.


Giá như...


Thoa ngoan hiền, khéo léo trong ứng xử và cả việc nội trợ, bếp núc nên chẳng mấy chốc đã lấy được lòng mọi người trong cái gia đình "tứ đại đồng đường" bên chồng. Bình là con trai lớn và cũng là duy nhất trong nhà nên mọi người đều mong Thoa sớm mang thai, sinh em bé. Nhưng vợ chồng Thoa có nghĩ thế đâu, mà đúng hơn là cả hai không còn thời gian để nghĩ đến điều đó.


Bất chấp sự khuyên can của gia đình, cả hai quyết định vun đắp cho sự nghiệp trước khi bị ràng buộc bởi con cái. Thoa theo học cao học ở Hà Nội còn Bình sang Pháp để làm nghiên cứu sinh. Ba năm sau, Thoa mang danh Thạc sĩ còn Bình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình. Cả hai vui mừng đón nhau.


Nhưng chưa được bao lâu, Thoa nhận được xuất học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh từ Úc. Bình không ý kiến gì mặc dù anh vẫn nói "Tùy em, tuy nhiên nếu em không là tiến sĩ mà chỉ là người phụ nữ bình thường thôi thì em vẫn là số một của anh."


Thoa cười nựng nịu "Anh à! Mình còn trẻ, còn cả khoảng thời gian dài về sau, em chỉ đi có ba năm hoặc hơn một chút thôi, không học tiếp thì làm răng mà làm một giảng viên tốt như anh mong muốn được!"


Thoa lên đường sang Úc, cả nhà Bình buồn lắm pha chút thất vọng và lo lắng. Không thất vọng sao được, Thoa đã xấp xỉ 30, cái tuổi mà đáng lý ra đã phải chuẩn bị chào đón đứa con thứ hai rồi mới đúng. Còn Bình cũng đã ở tuổi ba lăm rồi còn gì. Phải đợi ba năm nữa, sao mà lâu quá. Rồi ông bà bên chồng của Thoa cũng có người không đợi được nữa. Cái gia đình "tứ đại đồng đường" kiểu mẫu của một vùng giờ chỉ còn làm "tam đại đồng đường"


- Bình à! Nội bây chờ được ẵm cháu lâu lắm rồi đó nghe, mần ăn răng chứ như ri không khéo nội bây sinh bệnh mất.


- Vợ con học cũng gần xong rồi, mạ đừng lo nữa, vợ chồng trẻ bây chừ có ai sinh con sớm như thời của ba mạ nữa mô, ổn định công việc trước rồi sinh con đẻ cái sau sẽ tốt hơn cho cả hai vợ chồng mạ nợ.


Rồi Thoa cũng về mang theo tấm bằng tiến sĩ nước ngoài. Cả nhà đều vui và chờ mong một niềm hy vọng mới.


Rồi Thoa cũng mang thai ở tuổi ba tư, cái tuổi mà ai cũng ngại lâu nay. Niềm vui, hạnh phúc tràn ngập cả gia đình.