Pair of Vintage Old School Fru
Cơm của má

Cơm của má

Tác giả: Sưu Tầm

Cơm của má

Bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên năm người, nhưng sao lúc đó tôi vẫn hồn nhiên không hề nhận thấy đó là giây phút giản dị mà hạnh phúc biết bao...


***


Trưa hè nắng cháy. Cái nắng như thiêu đốt con người dù chỉ mới non trưa. Từ nhà nhìn ra cảm tưởng như mới có một trận cháy rừng xảy ra gần đây lắm bởi hơi nóng hừng hực liếm láp khắp đầu làng ngõ xóm. Quê tôi là thế, nắng thì như cháy, mưa thì ngập lụt, đó là cái đặc trưng của miền Trung không thể nhầm lẫn ở bất kỳ nơi đâu được.


Mặc kệ cái bầu trời xanh trong veo cao ngút ngần kia hay thấp thoáng bóng dáng xiu vẹo của những con người hối hả trốn nắng để kịp buổi cơm trưa từ đồng về, hai anh em chúng tôi đang chí chóe nhau như nổ tung mái nhà, đơn giản vì chúng tôi đang nạnh nhau việc...ai sẽ dọn bữa cơm trưa. Anh ba và tôi hợp tuổi lắm nhưng lúc nào cũng như lửa với nước, trước bữa ăn luôn phải diễn tạp màn hát chèo ấy mới chịu và người thua luôn là tôi, đơn giản vì tôi là út lại là con gái tất nhiên phải làm hết miễn ý kiến. Đó là câu nói bất hủ của anh ba luôn nói với tôi mà mãi cho đến sau này khi nghĩ về nó tôi vẫn luôn bật cười một mình.


Cơm của má


Bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên năm người, nhưng sao lúc đó tôi vẫn hồn nhiên không hề nhận thấy đó là giây phút giản dị mà hạnh phúc biết bao, vì tôi luôn nghĩ gia đình nào cũng thế và sẽ luôn theo mình cả đời mà. Và tôi rất "kén ăn".


- Cá móm xương lắm mà má cứ mua hoài.


- Lâu lắm má mới nấu lại món này, ngon vậy mà mày còn chê à – anh ba đấu khẩu lại với tôi.


Tôi chu miệng không thèm nói lại, cứ dùng đũa trộn chén cơm lên xoáy tròn, vì tôi gét ăn cá lắm, chỉ thích thịt là chủ yếu. Nhưng tôi non nớt đâu biết rằng có cơm trắng, cá kho đã là khó lắm rồi huống chi bữa thịt no nê dành cho anh em chúng tôi. Có lúc mâm cơm chỉ có bốn mẹ con quay quần với những món rau luộc sau vườn vì ba đã xa nhà mênh mông tận biển khơi để nuôi sống cả nhà và ba anh em ăn học, đó là nghề của ba, cái nghề của hầu hết những con người vùng biển này. Có khi ba đi cả mấy tháng mới về một lần, tôi còn nhớ như in những khoảng khắc đón ba ở đầu ngõ sau mỗi chuyến đi khơi lâu ngày về, thấp thoáng tôi thấy ba gầy và đen nhiều quá hay là do ba đã mang cái hơi biển mặn chát, cái nắng lâu ngày của biển bám vào người ba không buông về với chúng tôi. Ba an hem cười toe toét vì ba về sẽ không quên mua bánh ngon, trái cây lạ về cho ba anh em, còn riêng tôi thì vui hết thẩy với ý nghĩ trẻ thơ ngây ngô "tối nay cả nhà sum vầy bên bữa cơm và thể nào cũng sẽ có thịt bởi má mua bồi bổ cho ba".


Theo năm tháng chúng tôi lớn lên với tuổi thơ đúng nghĩa của những đứa trẻ miền quê nghèo. Tôi bỗng giật mình nhận ra bữa cơm cũng vắng dần đi những thành viên trong gia đình. Hai anh cũng phải đi học xa nha, ba vẫn phải xa nhà bám biển nuôi các con ăn học trọn ven, ở nhà chỉ còn hai má con tôi. Không còn ai chí chóe cãi nhau, không ai tranh giành từng món quà vặt má mua mỗi khi chợ về, tôi thấy trống vắng vô cùng.


Học cấp ba, phải đi xa nhà hơn, phải đạp xe cả tiếng đồng hồ mới tới trường. Thế mà sáng nào ngủ dậy tôi cũng đã có bữa sáng má chuẩn bị sẵn mà không phải đụng tay chân vào việc gì, ấy thế mà nhiều lúc tôi còn hờn lẫy vớ má vì ngủ dậy trễ không thèm ăn.uống và bỏ đi học luôn. Học xong về tới nhà đã phải hơn 12 giờ trưa. Vừa thấy bóng về, má đã nhanh chóng dọn cơm chờ tôi. Nhiều hôm trưa nắng làm tôi thấy mệt mỏi và nổi cáu vô cớ, tôi ghét khi bữa cơm có món canh chua lá giang với những miếng cá theo tôi là nhạt nhẽo không mùi vị, dù là cá kho mặn tôi vẫn không thích hay đơn giản lấy lí do cá này có mùi hôi, món khác lại dở mặc dù má rất kỹ trong việc nấu món ăn vì biết tôi khó ăn, nhưng tôi đâu có biết ở cái miền quê ven biển này có cái gì tươi ngon và thân thuộc hơn cá đâu chứ. Tôi vẫn không thay đổi, hờn dỗi bực mình không thèm đụng vào, chỉ lùa chén cơm không rồi vội vàng dứng dậy không thèm nói lời nào. Đó là cách tôi chiến tranh hờn lẫy với má vì bữa cơm không vừa ý mình hay có hôm còn không thèm ăn luôn mặc kệ không cần biết hoàn cảnh gia đình mình thế nào, không suy nghĩ được rằng ba má không chỉ có riêng tôi, còn hai anh đang học xa tằn tiện từng bữa cơm sinh viên nghèo nàn thế nào.


Thỉnh thoảng hai anh hay về thăm nhà, nhưng anh hai về thì không có anh ba, hay ba về thì không có hai ông anh trai. Tôi đã đủ lớn để biết rằng sao khó như ngày xưa thế, ngày cả gia đình cùng ngồi trong bữa cơm canh rau đạm bạc nhưng không thiếu hơi ấm, không thiếu tiếng cười rộn ràng trong hạnh phúc. Và khó lắm rồi cái ngày sum họp ấy.


Bây giờ khi các anh em đã ổn định công việc cũng là lúc ngôi nhà chốn thôn quê càng vắng bóng người. Thương má đứt ruột khi lặng lẽ một mình lên xuống ngôi nhà nhiều gian nhưng vắng bóng người hiu quạnh, ba thì vẫn thế, vẫn những chuyến ra khơi dài ngày, nếu về cũng chỉ đôi ba ngày lại đi. Hai anh tuy làm gần nhà nhưng cuộc sống bộn bề lo toan hay các mối quan hệ xã hội bên ngoài cứ mãi cuốn các anh đi như một vòng xoáy sâu rồi những ngày về thăm ăn cơm cùng má cũng thưa dần. Còn tôi, đứa con gái duy nhất lại xa nhà cả ngàn cây số rồi, vốn dĩ má không muốn vậy, má muốn tôi gần nhà, muốn cuối tuần con lại về ăn cơm cùng gia đình, sẽ nấu thật nhiều món ăn có thịt cho con. Nhưng tôi cũng giống như con ngựa non hiếu chiến muốn xa cái nắng cháy, những cơn mưa dai dẳng và xa luôn cái vị mặn chát của thôn quê miền ven biển mà tôi tưởng chừng như cái vị ấy đã thấm vào từng món cá má nấu. Và vô tình tôi đã bỏ quên cả những bữa cơm quay quần ấm áp của gia đình mình.


Xa nhà đã bao năm nhưng mãi tôi vẫn không quen những món ăn nơi đô thị, nơi đây không thiếu một thứ gì, trong từng món ăn lại rất nhiều thịt, nhưng cũng toàn những chất có hại sức khỏe với những chất gia vị tẩm ướp màu mè. Giờ thì tôi nhớ lắm, thèm lắm món canh chua lá giang má nấu, thèm lắm món cá tươi ngon biển quê mình, thèm lắm những món rau luộc xanh sạch mà làm sao nơi đây có được, tưởng chừng như nó vượt qua tất cả những sơn hào hải vị, tất cả, tất cả...và phải chăng chỉ là tôi đang cố gắng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây để rồi chợt nhận ra bản thân đã đuối sức, đã mệt mỏi lắm rồi. Những buổi chiều vội vã cảnh xe tấp nập, bon chen ai cũng muốn về với gia đình cho kịp bữa cơm tối sau ngày làm việc bận rộn. Bỗng khóe mắt cay cay, nơi tôi về không phải là bữa cơm má nấu mà chỉ là căn phòng trọ chật hẹp và lạnh tanh. Hôm nay, cuối tuần các anh sẽ tranh thủ về nhà thăm ba má, gia đình tôi chắc cũng đang ấm áp bên mâm cơm ngon lành, lòng nghĩ mọi người sẽ nhớ đứa con gái xa nhà này, có nhắc đến tên mình không? Nước mắt chợt rơi, một cảm giác tủi thân dâng trào, sao tôi thấy nóng ruột gan, muốn hét thật to, muốn chạy về trong vòng tay ba má, muốn chiến tranh với hai ông anh trai, muốn một lần trở về tuổi thơ với bữa cơm gia đình. Nhưng khó quá má ơi! Biết đến khi nào...


Kim Oanh