Snack's 1967
Biển cha, trời con

Biển cha, trời con

Tác giả: Sưu Tầm

Biển cha, trời con

Tuổi trẻ của cha là biển cả. Tuổi trẻ của con sẽ là bầu trời.


***


Biển cha, trời con


Tôi mở cửa sổ, nhìn bầu trời đêm Bangkok bao la. Những tòa cao ốc vẫn óng ánh đèn và xe hơi vẫn nườm nượp trên dãy cao tốc trước mặt. Bất giác, tôi đưa tay lên cao, chẳng rõ bản thân muốn làm gì. Không viễn tưởng thèm hái một ngôi sao. Cũng không toan tính bắt chút không khí vào đùa chơi trong lòng bàn tay.


Tôi nhìn chằm chặp đôi tay mình mảnh dẻ. Bàn tay tôi nhỏ nhắn như tay em bé gái, "đôi tay ếch con" như ngày bé cha mẹ vẫn gọi yêu. Cả bàn tay mềm mịn tưởng không xương, chẳng lấm dù là một vết chai của việc cầm bút. Ai từng nắm tay, bắt tay tôi đều ấn tượng rằng tôi rất sướng: đôi tay chẳng động việc gì.


Ngắm tay mình kiêu sa giữa trời, tôi nhớ đôi tay cha to lớn, khô ráp, đen nắng, sần chai – dấu tích mà thời gian cũng không làm phai được từ chuỗi tháng ngày ông lênh đênh biển cả. Tôi nợ đôi tay ấy quá nhiều. Thế nhưng số lần – đếm được bằng đầu ngón tay – tôi nắm đôi tay ấy lại vào những ngày mà nó giằng co giữa nóng lạnh của sự sống và cái chết. Tôi không mảy may chuyện mình nên nắm tay cha khi tay ông còn ấm áp.


Lần cuối chạm tay cha, khi luồn tay mình vào bàn tay ông đã cứng, tôi biết chắc một điều: từ giây phút ấy trở đi, mỗi lần mân mê đôi tay mình công chúa, tôi sẽ hối hận. Sách vở, lời hay ý đẹp từ internet khuyên tôi quên chuyện buồn mà vui sống. Tôi chỉ cười nhạt. Những ai tin lời hoa mỹ đó, chỉ vì họ chưa đến lúc nghiệm ra rằng trong cuộc đời, mỗi người chắc chắn sẽ sống cùng ít nhất một nỗi day dứt. Quên đôi khi là bất khả thi. Ký ức chỉ tạm lắng và khi gặp một hình ảnh, một sự vật nhang nhác, nó sẽ khơi lại.


Tôi, đáng thương và đáng trách thay, ân hận không chỉ một nỗi.


Tôi đã luôn nung nấu viết một tiểu thuyết về cha – tuổi thơ cô đơn, tuổi trẻ xa xứ, cuộc đời ngang dọc nhiều miền đất và đại dương. Tôi đã định dành cho ông bất ngờ to lớn. Tôi đã nghĩ mình còn ối thời gian.


Khi tôi bắt đầu viết về ông – lúc này đây – thì món quà đã thành lời tạm biệt. Những câu chuyện trong đầu tôi bỗng dưng không liền mạch, không phiêu lưu, không lãng mạn như từng ngẫm nghĩ. Chỉ có những khoảnh khắc rất thật về cha mà trí nhớ tôi, một cách bí hiểm, đã chọn lưu lại.


***


Biển


1. Tôi ghét biển. Biển đem cha đi mãi suốt những ngày tôi bé con. Nên theo góc độ nào đó, biển đã nuốt mất một phần tuổi thơ của tôi vào bụng.


Vài tháng sau khi tôi chào đời, cha bắt đầu đi tàu. Những chuyến buôn bán vượt đại dương không cho phép cha chứng kiến tôi thực hiện cú lẫy đầu tiên và nghe tôi bi bô "ba ba...". Khi cất tiếng gọi cha lần đầu, tôi nói đã sõi lắm rồi. Sau những chuyến hải trình kéo dài hàng tháng trời, có khi ngót nghét cả năm, cha luôn đem về cho tôi cơ số quà bù đắp thương nhớ. Sinh ra thời đất nước chỉ vừa mở cửa, nhưng tuổi thơ tôi đầy ứ những hộp sữa bột ngoại, những lon nước trái cây đắt đỏ, búp bê mặc váy ren hồng biết đi biết hát, máy bay điều khiển từ xa... Còn nhiều nhiều nữa những thứ mà trẻ con ngày ấy chẳng biết là có trên đời để mà tưởng tượng, thèm muốn. Nên theo góc độ nào đó, biển đã cung phụng cho ấu thơ tôi được vạn phần sung sướng.


Dù thế, tôi vẫn ghét biển.


2. Cha lên bờ khi tôi 8 tuổi. Vốn quen cha chỉ ở nhà dăm ba tháng mỗi năm, nên việc ông có mặt trong tất cả bữa ăn gia đình gây cho tôi chút lạ lẫm ban đầu. Từ một món thực phẩm theo mùa như bánh trung thu, ông trở thành cơm bữa. Cái trầm trồ nghe chuyện về bến cảng, chim âu, cổ tích các loài cá và những vùng đất lạ mòn vẹt dần khi đêm nào cha cũng kể. Cái nô nức của một chiều tan học thấy cha đón ở cổng trường cũng lụi tàn nhanh. Mỗi ngày mỗi gặp, có lẽ vì thế mà tôi càng ít gần ông. Đôi mắt của con bé 8 tuổi chỉ mới biết ưa thích những thứ hiếm lạ, chứ nào hay việc tìm kiếm, trân trọng điều quý báu ẩn giấu trong những cái quen thuộc.


Từ ngày cha thôi đi tàu, mùa Hè nào gia đình tôi cũng đi nghỉ mát ở biển. Cha hào hứng ra mặt ngay từ phút hành lý được chất lên xe, và càng gần đến biển tinh thần ông càng phấn chấn. Đến nơi, cha ùa ra tắm biển trước các con, dẫu Mặt Trời treo bỏng rát trên đỉnh đầu. Tôi nhận ra, cha dành cho biển một thứ tình cảm khá phức tạp và vĩ đại. Một khối lòng trộn lẫn yêu đương đôi lứa, thân thuộc anh em và kính trọng hàm ơn. Ánh mắt ông nhìn biển... Da diết và bỏng cháy. Êm đềm và tha thiết. Thuộc về và ngưỡng vọng.


Tôi hy vọng sau này mình cũng có thể nhìn một điều gì đó trong cuộc sống này bằng ánh mắt như thế.


Biển cha, trời con


3. Ngày nhỏ, cứ đi tắm biển là tôi phăm phăm cùng chiếc phao ra xa thật xa, mặc kệ hôm ấy biển động sóng cao đến đâu. Máu liều thủy thủ của cha có lẽ đã di truyền vào cô con gái.


Nhưng từ năm 10 tuổi, tôi mất hứng thú với việc tắm biển, nếu không muốn nói là hoảng sợ. Năm đó, tôi sém chết đuối khi sa chân vào một hố lốc xoáy gần bờ. Lúc lặn ngụp trong hốc nước cao quá đầu, tôi vẫy vùng để ngoi lên nhưng lòng chẳng thoáng chút sợ chết. Tôi nhớ rõ như thế. Tôi biết cha – một thủy thủ, một tay bơi cự phách – sẽ cứu. Và ông đã đến nhấc bổng tôi lên, nâng chặt trong đôi tay rắn chắc.


Bá cổ cha, hổn hển thở vì sặc nước, một niềm tin, một cảm giác an toàn đã đến trong tôi và ở lại suốt nhiều năm sau này: dù bất cứ chuyện tồi tệ gì xảy đến, dù sai phạm gì, tôi vẫn luôn có cha nâng đỡ. Dù tôi chạy đi xa như thế nào, vẫn luôn có một vòng tay để ùa về, rồi vùi chặt trong đó.


4. Có một lần dạo biển cùng cha, tôi chẳng nhớ rõ khi ấy mình bao nhiêu tuổi, còn rất bé hay đã dậy thì, ông đã nhìn về phía những con sóng đang đạp nhau vào bờ và nói: "Bầu trời của đàn ông ngày càng rộng. Bầu trời của phụ nữ ngày càng hẹp. Nhưng con, hãy đi thật xa vào, con gái!".


Ý nghĩa câu nói đấy, đến tận ngày nay tôi vẫn còn chút mơ hồ. Những người cha thường mong con gái sống an nhàn, yên lắng và hạnh phúc. Nhưng cha tôi dường như đã lái tôi sang một con đường rộng, nhiều màu nhưng cũng hứa hẹn không ít trồi sụt. Cha lạ. Mà có lẽ ông không lạ. Ông chỉ là đã nhìn thấu con người tôi từ lúc ấy.


Và ngay giây phút đó, câu nói ấy đã khiến tôi ngước lên bầu trời, mơ ước và quyết định hòa làm một: Tôi sẽ đi thật xa, sẽ nhìn thế giới thật nhiều, nhưng sẽ bằng một con đường khác với cha. Tôi sẽ kiến tạo con đường riêng của mình để có được một tâm hồn giàu có như ông.


***


Trời


5. May mắn (cho xã hội) là tôi đã chẳng thể thành bác sĩ, nếu không tôi hẳn đã là một tay lang băm cự phách. Hay có khi tôi đã chán ghét trường Y, ruồng rẫy cái ước mơ một-thời-rất-lớn mà dở dang việc học.


May mắn là cha đã nhận ra tôi không hợp làm bác sĩ, bằng mọi cách ngăn cản. Khá ngược đời so với nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách tống con vào trường Y vì sang, vì tương lai sáng lạn.


Thật ra, nếu ép thân cố gắng, tôi cũng có thể thành một bác sĩ giỏi. Nhưng tôi vốn không có tố chất của một bác sĩ tốt – Điều này phải nhiều năm sau tôi mới đủ can đảm thừa nhận. Một bác sĩ giỏi mà không tốt thì đại họa! May mắn là cha đã nhận ra! Con cái khi bị cha mẹ can ngăn chuyện gì thường cố chấp, càng lao đầu làm theo ý mình để chứng tỏ bản thân. Cái tự ái trẻ con khiến con cái quên rằng những đôi mắt được thời gian tôi luyện có khả năng nhìn sâu và nhìn xa hơn. Vì vậy, chỉ một lần cũng được, trước khi quyết định đời mình, hãy lắng nghe cha mẹ.