80s toys - Atari. I still have
Thời để nhớ

Thời để nhớ

Tác giả: Sưu Tầm

Thời để nhớ

Ngày đầu tiên bọn nó làm năm trăm cái mà bán hết trong buổi sáng. Ở lớp bạn thì bán hoa, bán quả, bán đồ lưu niệm. Chỉ có món bánh trôi của nó là độc đáo, ngon, hợp với giá tiền của sinh viên. Thành quả hôm đầu tiên ba đứa thu được gần một triệu tiền lãi, mệt nhưng thu lại lợi nhuận ngoài ý muốn, cả bọn lại xoắn tay vào chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau.


Đang loay hoay bọc bánh cho khách, Khải (chàng trai trong vụ va chạm hôm khai giảng) lại đặt tờ một trăm ngàn xuống bàn.


- Bán cho tôi một trăm ngàn tiền bánh, nghe nói cô làm bánh cũng tạm.


- Xin lỗi tôi không bán cho người như anh...


Nhìn thấy tình hình lại bắt đầu căng thẳng, mấy bạn sinh viên nhìn lại phía nó thì thầm gì đó. Huyền nhanh tay cầm tờ một trăm nhét vào túi áo, mấy khi gặp khách sộp.


- Đây, đây. Bánh của anh đây. Tổng 33 cái nhưng anh mua nhiều nên tặng thêm hai cái là 35 cái. Ok chứ? Cảm ơn anh, lần sau nhớ ủng hộ chúng em nhiều hơn.


Nhìn bọc bánh trôi Khải mặt nhăn mặt, vốn dĩ anh định trêu nó ai ngờ lại phải bỏ tiền mua hơn ba mươi cái bánh. Khải đi rồi một bạn nữ chạy lại mua bánh nói.


- Các bạn biết đó là ai không? Anh ấy là hotboy của trường đó, anh ấy học khoa kỹ thuật, con của thầy hiệu trưởng trường mình.


Huyền và Sơn sau khi nghe bạn gái đến mua bánh kể về Khải thay nhau bình luận, chỉ có nó là không nói lời nào. Thì ra lâu nay bọn nó nghe ở trường có con trai thầy hiệu trưởng nổi danh đẹp trai, phong độ lại học giỏi. Nó suy nghĩ anh ta chẳng có gì đặc biệt, thế mà ai cũng xì xào to nhỏ. Thành quả thu được sau hai ngày bán bánh là hai triệu bảy, ba đứa chia nhau. Cầm chín trăm nghìn nó đặt lên môi thơm chùn chụt, không ngờ kiếm tiền lại dễ như vậy...


Năm thứ hai lớp phải học môn kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình. Hôm đó thực hành thầy bảo lớp lên học cùng với các anh năm cuối vì số lượng sinh viên đông nhà trường không sắp sếp được phòng riêng cho từng lớp. Từ xa Khải đã thấy nó nhưng anh cố tình lánh để nó không thấy anh. Anh nghĩ nó vẫn còn hận anh vụ va chạm xe. Đến lượt nó lên thử máy, vừa lên bên trên phòng máy cả hai lớp cười ồ lên. Nó ngoáy mặt lại không hiểu chuyện gì đằng sau, nhìn từ trên xuống, quần áo chỉnh tề không có vấn đề. Nó còn nở nụ cười tươi với cả lớp và bước tiếp, hành động của nó càng làm mọi người cười to hơn. Thầy dạy môn kỹ thuật yêu cầu lớp im lặng rồi tiến lại gần nó, thầy tủm tỉm cười giật phắt tờ giấy bị ai đó ghi "Tôi là cô gái xấu xí, chua ngoa, đanh đá xin các bậc tiền bối thương tình giúp đỡ...". Thầy đưa lại tờ giấy cho nó, nó đỏ bừng mặt, cuối xuống nghĩ thầm kẻ nào đã lấy nó ra làm trò đùa.


Phần thực hành của nó hoàn thành xuất sắc, quay lại chỗ cũ nó nhìn thấy Khải đang nhìn nó cười tủm. Ánh mắt của nó nhìn Khải như chứa đầy hận thù, như con thú đang căm phẫn vì sập bẫy của bác thợ săn. Kết thúc buổi học nó chạy theo chắn đường Khải.


- Trò đó là do anh làm phải không?


- Cô có bằng chứng không mà vu oan cho người khác, không biết tội vu oan nhận bao nhiêu năm tù à.


- Anh được lắm, anh đừng tưởng mình là con hiệu trưởng thích bắt nạt ai là có thể bắt nạt.


- Cô ăn nói cho cẩn thận, đừng đem bố tôi vào những chuyện này.


- Thế là anh chịu thừa nhận rồi nhé. Bây giờ tôi yêu cầu anh phải xin lỗi tôi.


- Tôi nhận bao giờ, đúng là đầu có vấn đề.


Nói xong Khải quay mặt đi cười tủm tỉm, bỏ lại nó hậm hực ở sau lưng. Sau lần những lần va chạm đó Khải thường xuyên thấy nó trong những bộ dạng khác nhau. Hôm thì vội vã, hôm thì mặt nhăn như tờ giấy nhàu, hôm thì vừa đi vừa cười một mình. Khải bước sang năm cuối nên thường xuyên vào thư viện nhà trường tham khảo tài liệu, hôm nay đến muộn nên nhìn mãi mới tìm được một chỗ trống. Đi ngang qua nó đang cắm cúi đọc, đọc xong lại viết một mạch không ngẩng đầu lên. Khải nghĩ ra trò trêu nó, anh rón rén lại đằng sau lấy cái dây áo của nó buộc vào chân ghế ngồi của thư viện, nó vẫn miệt mài vào tập tài liệu nên không biết gì. Nhìn vào đồng hồ gần 10h sáng, sắp đến giờ cái Huyền tan học. Nó phải về không mấy hôm chăm chú quên nhiệm vụ buổi sáng phải nấu cơm, rút kinh nghiệm mấy hôm bị cái Huyền la nên gấp hết sách vở, đứng lên ra về.


Đứng dậy ra về, cái ghế thư viện bị dây buộc làm ngã xuống nền gạch hoa, tiếng động làm cả thư viện đang yên tĩnh phải ngước lên nhìn nó. Ngoái lại thấy dây áo bị buộc vào chân ghế, nhìn xung quanh thấy mọi người ai cũng nhìn nó cười, nó ngại ngùng xin lỗi mọi người, cúi xuống mở dây áo, để ghế lại chỗ cũ quay lại quầy văn thư trả sách ra về. Sau khi nó đi ra cửa, Khải ngồi góc trong cùng mới ló đầu nhìn theo rồi cười một mình. Lần này xem nó đổ tội cho ai. Chẳng hiểu sao từ ngày gặp nó, có cái gì đó ở nó khác những cô gái khác anh thường gặp. Nó không điệu đà, không trang điểm, không giày cao gót, không váy ngắn váy dài. Lúc nào Khải cũng thấy mái tóc cột cao, chân đi giày thể thao, quần bò, áo phông...Đôi lúc anh không muốn trêu ghẹo nó, nhưng cứ nghĩ đến cái mặt ngây ngô của nó lại làm anh thích chí. Những cô gái khác khi tiếp xúc với anh thường hay nhỏ nhẹ, lấy lòng. Chỉ có nó lúc nào cũng mang khuôn mặt sát thủ đối mặt với anh...


Lần thi học phần môn phóng sự, thầy giao cho mỗi bạn phải tìm được hình ảnh, đề tài, tự xử lý hình ảnh, thuyết minh bằng lời nói. Lần này thi học phần rơi vào phóng sự truyền hình, bài thi phải được lấy từ thực tế, có tính sáng tạo, đề tài phải gắn liền với cuộc sống đời thường, mang lại thông điệp ý nghĩa cao. Thầy bảo hôm đó các anh khoa kỹ thuật khóa cuối sẽ tự đứng ra sắp sếp sân khấu, chuẩn bị phòng thu, máy chiếu, xử lý kỹ thuật. Phần kỹ thuật hôm đó cũng là bài thi của các anh trong môn kỹ thuật truyền thanh. Thời gian chuẩn bị bài là một tháng, vậy mà nửa tháng rồi nó vẫn chưa tìm được đề tài cho bài phóng sự. Xung quanh thị xã Phủ Lý ai cũng tìm được đề tài, vô tình đọc được trên báo Tiền Phong về nhóm trẻ em mồ côi, cơ nhỡ tự xây tổ ấm cho nhau trong cuộc sống. Nó chợt nghĩ đề tài này mà làm bài phóng sự truyền hình sẽ rất hay, độc đáo và hợp với tiêu chí mà thầy đặt ra.


Hải Phòng là quê hương của cái Huyền, tối hôm đó nó bàn với cái Huyền ngày mai về Hải Phòng. Cái Huyền la lên là gần cuối tháng, tiền thì hết, mà về đó xa. Nó bàn với cái Huyền là đi xe đạp về Hải Phòng, vừa đỡ tốn kém vừa có thời gian tìm đề tài dọc đường đi. Chưa bàn xong cái Huyền đã la lên.


- Tao xin mày, từ đây về nhà tao gần 120km đấy. Đạp về đến nơi xong hai đứa thành con ma khô à. Tao chịu thôi.


- Đi mà, vừa đi vừa nghỉ dọc đường. Chẳng phải mày cũng đang muốn về thăm nhà sao? Với lại ở quê nhiều đề tài hơn ở đây. Mày nghĩ xem cái thị xã nhỏ bé này mà hàng trăm sinh viên, ai cũng đào xới từng nơi, từng chỗ, không còn đề tài cho tao với mày đâu.


- Tao không ham như mày, tao qua môn là được. Chỉ có mày là mọt sách, ham hố học bỗng chứ gì?


- Không phải thế mà là tao nghĩ môn này nhiều trình nhất, nếu không có bức phá cách sẽ kéo điểm các môn khác. Mày không đi ngày mai tao đi một mình.


- Thôi được rồi, vậy mai tao đi với mày. Nhưng nói trước về đó xa lắm, đi xe đạp mà nản chí giữa đường là không ổn đâu.


- Ok. Yên tâm tao sẽ quyết tâm, chỉ cần mày về cùng là ổn rồi.


Sáng hôm sau hai đứa chuẩn bị khăn gói lên đường. Trên dãi đường nhựa nắng, hình ảnh hai đứa đang cố đạp hai chiếc xe đạp đi tìm đề tài cho bài phóng sự. Đi qua Nam Định được một lúc xe đạp của cái Huyền bị thủng săm, hai đứa dừng lại quán sửa xe bên đường để sửa. Ngồi uống nước nhìn ra cánh đồng xa xa những luống hoa đủ loại đang được người dân chăm sóc, cái Huyền nghĩ ra ý định xuống làm bài phóng sự về làng hoa và người trồng hoa. Hai đứa gửi xe ở quán sửa xe xuống nơi những người dân đang lúi húi nâng niu, chăm sóc những cây hoa. Cả nó và Huyền đem máy ảnh ra thi nhau chụp, ghi hình, phỏng vấn. Đề tài này làm cái Huyền rất hài lòng. Quay lại quán sửa xe Huyền lôi máy ảnh ra xem, cười khúc khích khoái chí.