Sinh viên ký truyện

Sinh viên ký truyện

Tác giả: Sưu Tầm

Sinh viên ký truyện

Thằng Nam đã phải ngẩng đầu lên mà than với trời rằng " Trời đã sinh Nam, sao còn sinh ghẻ" và rằng " biết thế hắn đã sống bẩn từ đầu" như mấy thằng trong ký túc xá cho rồi. " Bi" với sinh viên như Nam và Tuấn không còn là " nửa tháng bình yên, nửa tháng đói" như dân tình vẫn đồn đại, vì đó chỉ là mấy tháng đầu tiên của cuộc sống sinh viên mà thôi, còn tiếp đó sẽ là những tháng ngày mà "niềm vui ngắn chẳng tày gang", tình trạng viêm màng túi "mãn tính" sẽ kéo dài trong hầu hết cả tháng... Trong những ngày như thế nếu Hải " voi"có đem qua thứ gì thì ngay lập tức thằng Nam "còi" sẽ tôn hắn lên làm Phật sống. Thằng Nam"còi" còn có một khả năng mà Tuấn "gà" phải kêu hắn làm sư phụ đó là nhớ chính xác tất cả những ngày có giỗ, lễ, tết bên nhà Hải "voi" dù đó đều là ngày âm lịch. Trong những ngày đó, hắn sẽ khuyên bảo thằng Tuấn "gà" mặc "bộ đồ số một" dù số áo quần của mỗi đứa chỉ được đánh số đến..hai. Cả hai thằng sẽ đạp xe qua nhà Hải " voi" từ sáng sớm, dù chưa ăn gì nhưng với Nam " còi" đó là những lúc hắn đạp xe một cách tràn đầy sinh lực, qua đó hai thằng sẽ phụ giúp một số công việc và có một bữa trưa " cung cấp chất đạm, vitamin và protein cho cả tháng". Được cái bố mẹ Hải "voi" vừa quý vừa thương hai thằng " vừa hiền vừa lẻo mép" như tụi nó thế nên xong xuôi đâu đó, mẹ Hải "voi" lại đùm đùm gói gói cho hai đứa một ít xôi với thịt đem về, lúc đó cứ nhìn cái bộ mặt ngây thơ cứ chối đây đẩy gói quà của mẹ Hải " voi' đưa cho của Nam "còi" mà thằng Tuấn "gà" không nhịn cười nỗi. Nam "còi" thì cứ trách Tuấn "gà" những vụ đó, nhưng thằng Tuấn cũng có cái lý của nó, vì nếu so sánh cái bộ mặt ngây thơ lúc đó với cái bộ mặt lúc nó hì hục với gói xôi ở nhà cứ như " Khoảng trời và hố bom", không cười sao chịu được. Thằng Nam biện minh đó là " phép lịch sự tối thiểu", sau này hắn ít dùng cái " phép lịch sự" ấy hơn rồi bỏ hẳn luôn cho đúng "quy luật tồn tại".


Có lẽ sẽ khó có thể kể hết những câu chuyện không có hậu của tụi thằng Nam, Tuấn và thậm chí cả thằng Hải nữa nhưng cuộc sống sinh viên không chỉ có như vậy. Tụi nó đã anh dũng chiến đấu với " đói, rét, ghẻ" để hạ cánh an toàn trong những kỳ thi. Rồi hình ảnh của ba anh chàng dù đói nhưng vẫn bám trụ với cái thư viện cả ngày, những lần ra công viên tìm người Tây nói chuyện, phỏng vấn để lấy tài liệu cho bài tập lớn thế mà họ cứ tưởng thằng Nam là người bán rong rồi bỏ chạy làm cả lũ có dịp cười toe còn thằng Nam chỉ giận mình không mặc " bộ đồ số một"... Tụi nó cũng sẽ chẳng bao giờ quên được những lần đi học về qua những con đường nghi ngút mùi bánh canh mà thằng Nam chỉ dám hà hơi hít thật sâu mà tặc lưỡi cho đỡ quê : ' mới ăn cơm còn no quá không thì làm tô rồi mày nhỉ",nó làm Hải "voi" cười lăn lộn còn Tuấn "gà" chỉ thấy khóe mắt cay cay. Dù bố mẹ không vào thăm lần nào trong suốt bốn năm đại học do điều kiện khó khăn nhưng Tuấn và Nam vẫn ra trường với tấm bằng loại khá mà không thi lại môn nào. Với những học sinh tỉnh lẽ với xuất phát điểm thấp lại khó khăn như Nam và Tuấn thì để vượt qua được một ngành học còn mới mẻ với học sinh trường làng vào thời điểm đó và cùng các bạn thành phố vượt qua được cái đích đại học là một thành công ngoài mong đợi. Nhưng tụi nó cũng biết rằng nếu không có Hải " voi", chúng nó sẽ không dễ dàng gì đến được cái đích đó, và biết đâu sẽ có thằng gục ngã.


Nói cho công bằng thì những ngày vui của tụi nó không phải là không có mà thậm chí còn khá nhiều. Những khi Hải "voi" và Tuấn " gà" và thậm chí cả ba đứa cùng nhận được học bổng thì những ngày tháng sau đó đều là những ngày " cuộc sống tươi đẹp". Dù Nam "còi" ít khi nhận được học bổng nhưng không sao vì ba tụi nó cùng hội cùng thuyền mà. Khi bố mẹ cho tiền thì Hải "voi" cũng không ngần ngại mời hai thằng bạn chí cốt của mình đi ăn cái gì đó dù có lúc ba thằng chỉ kêu có hai tô. Trong những trường hợp như vậy Hải "voi" sẽ chịu khó vào vai " chính diện"- tức là làm ra vẻ hắn ăn rồi sau đó lựa chọn thời điểm để kết thúc màn kịch một cách "ngoạn mục và không thể ngờ tới". Tuấn "gà" và Nam " còi" thì bao giờ cũng ghi nhận sự hy sinh âm thầm này của Hải 'voi" và cả khi ra trường tụi nó cũng vẫn còn nhắc tới. Ngoại trừ những ngày giỗ, lễ, tết bên nhà Hải "voi" thì những bữa tiệc còn lại của tụi nó sẽ là những ngày thằng Nam với thằng Tuấn về quê mới vào và cả sinh nhật của tụi nó. Những món quà ở quê mà Tuấn và Nam đưa vào có thể là đặc sản của quê như bánh trái, gạo, thịt, cá khô, thậm chí là những quả mướp, bí, đậu... đều có những ý nghĩa cực kỳ to lớn với tụi nó và tất nhiên trong những trường hợp này, giá trị và ý nghĩa tinh thần tạm thời xếp sau giá trị vật chất. Những khi đó, Hải " voi" sẽ có những bữa cơm " đạm bạc"("nhiều chất đạm và tiền bạc" theo cách giải nghĩa của nhà từ điển học Nam "còi") cùng với hai thằng. Bữa cơm đó sẽ ngập tràn niềm vui và những tiếng cười giòn tan, xong rồi thì ba đứa sẽ tha hồ kể về " tuổi thơ dữ dội" của mỗi thằng, khán giả sẽ được những trận cười nghiêng ngả vì những câu chuyện cười ra nước mắt mà có thật hẳn hoi. Rồi đến ngày sinh nhật của mỗi thằng, không bánh cũng chẳng hoa, bạn bè cũng mời hạn chế nhưng không thể thiếu những nụ cười, những màn trình diễn đặc sắc của những ca sĩ nghiệp dư. Quà của bạn bè đến dự sinh nhật có thể là cân hoa quả hoặc chai nước ngọt loại lớn còn nhân vật chính cũng chỉ chuẩn bị một ít kẹo bánh và vài đĩa hoa quả. Đủ cả bốn thắng trong lớp cùng một vài cô bạn đồng hương nhưng chẳng bao giờ thấy ai là bạn gái của thằng Tuấn và Nam trong tiệc sinh nhật tụi nó, trừ thằng Hải "voi" có người yêu là một em khóa dưới. Mà việc đó cũng chẳng ảnh hưởng gì vì theo Nam "còi" thì có sinh nhật là vui rồi. Trong mỗi bữa tiệc sinh nhật sẽ không thể thiếu hình ảnh Hải " voi" tay cầm đàn, mắt lim dim hát một bài hát trữ tình nào đó mà đã hạ gục không ít em, nhưng trước đó là những lời giới thiệu không thể chê vào đâu được của Nam "còi" làm khán giả phì cười vỗ tay không ngớt. Không chỉ giỏi làm MC cho các bữa tiệc sinh nhật, Nam " còi" có lần đã làm cho Tuấn "gà" suýt nữa thì xúc động đến phát khóc khi tặng Tuấn một cái bánh sinh nhật " có một không hai"- không hiểu học của ai, ở đâu mà Nam "còi" nấu một nồi cơm cháy rồi đổ úp ngược lại chẳng khác nào một cái bánh, sau đó trang trí bằng tương, ớt và cắm lên đó một cây nến cực kỳ rô-măng-cụt ( phân biệt với rô-man-tic). Cái bánh đó đã trở thành huyền thoại trong con mắt của chủ nhân buổi tiệc và những người có mặt hôm đó. Đúng là với sinh viên tụi hắn thì sức sáng tạo là bất tận!


Dù bây giờ tụi nó mỗi người đã có một cuộc sống riêng, một công việc riêng và một gia đình riêng nhưng có dịp hoặc vào những ngày sinh nhật của mỗi thằng, tụi nó lại hẹn gặp nhau ở cái nơi đã nuôi dưỡng tình bạn, đã chắp cánh cho tụi nó được bay. Giờ đây bữa tiệc của của tụi nó không chỉ có ba thằng mà có thêm những thành viên mới nhưng những câu chuyện vẫn vậy, vẫn là những ký ức, kỷ niệm của một thời sinh viên. Thời gian vẫn chưa thể thay đổi con người mỗi đứa : Hải" voi" vẫn chín chắn như xưa, Tuấn "gà" thì ít nói nhưng cực kỳ tốt bụng, Nam "còi" thì vẫn lẻo mép và sống có trách nhiệm với mọi người. Những ký ức, kỷ niệm đó sẽ là hành trang tụi nó mang theo suốt cuộc đời. Những câu chuyện tiếp theo trong cuộc đời mỗi đứa không biết sẽ thế nào nhưng tụi nó đã hứa với nhau, dù bước vội trên đường đời thì những gì đã có với nhau sẽ là lẽ sống cho mỗi người.


Một ngày nhớ Huế!