Pair of Vintage Old School Fru
Mùa hạ cuối cùng

Mùa hạ cuối cùng

Tác giả: Sưu Tầm

Mùa hạ cuối cùng

Làm sao có thể quên được những kỉ niệm vui buồn sau ba năm học chung với nhau? Làm sao có thể quên được những trò quậy phá làm thầy chủ nhiệm bị trừ lương?


Làm sao có thể quên được chọc phá không cho thầy cô dạy? làm sao quên được những lần trốn thầy quản sinh khi đi học muộn? Và làm sao quên được đây, tuổi học trò?


***


Mùa hạ cuối cùng


Lớp tôi nằm ở vị trí đón nắng,đón gió,đón cả những sự quan tâm đặc biệt của cô Hiệu phó ở ngay phòng bên cạnh và thầy Quản sinh ở tầng trệt dãy đối diện.Có lẽ nhờ có cả sự ưu ái đặc biệt của cả tự nhiên và con người mà những dấu hiệu của mùa hè đến với chúng nó thật rõ ràng.


Đầu tiên là đi ngang qua phòng cô Hiệu phó hằng ngày để đến lớp thì thấy sập tài liệu trên bàn làm việc cao bất thường.Thầy quản sinh làm việc hết công suất để đánh giá...chính xác hạnh kiểm cuối học kì.Nắng thì chiếu thẳng vào cả cửa chính (cửa ra vào) lẫn cửa phụ (cửa sổ) qua từng tán lá của cây phượng vươn ra gần hết hành lang và đang nhăm nhe chui tọt vào cửa sổ với lấm chấm những nụ hoa mới nhú chiếu từng vệt dài trên nền lớp học,khiến những đứa ngồi ở gần cửa sổ như nó khó mà tập trung học hành vì còn mải lấy vở che mặt để tránh tiếp xúc với ánh nắng chói chang của mùa hè. Thấy tình trạng khó khăn của "địa bàn","giáo chủ" - thầy chủ nhiệm đã "hạ lệnh" cho "huynh đệ" chúng tôi phải đóng hết rèm và cửa vào.Tùng - đứa ngồi gần cửa nhất sẽ có một nhiệm vụ cao cả:mở cửa chờ thầy cô vào lớp rồi đóng cửa vào và mở cửa tiễn thầy cô ra khi hết tiết.Thế là lớp nó ở trong một cái hộp kín như nơi ở của "người trong bao" Bêlicốp và đèn thì lúc nào cũng bật,quạt thì hoạt động hết công suất vì nguồn gió trời đã bị "giáo chủ" cắt vào tiết sinh hoạt thứ bảy tuần trước.Nhưng cũng nhờ thế mà mấy đứa lớp tôi tránh được ánh mắt "cú vọ" của thầy quản sinh mỗi lần quên đeo cà vạt, nơ và không có phù hiệu.


Những ngày cuối năm học đối với học sinh cuối cấp thật áp lực và mệt mỏi,vừa thi học kì xong lại lao đầu vào các tập tài liệu để ôn thi tốt nghiệp và ngược xuôi đi học thêm như ca sĩ chạy show chỉ mong "quang minh chính đại" bước vào cánh cửa Đại học đã nộp hồ sơ cách đây vài tháng.Vì thế mà đứa nào cũng uể oải thì làm sao thoải mái học những môn mà không bao giờ gặp lại nữa chứ.Tiêu biểu là vào tiết Văn, cô Tú Anh đang say sưa giảng bài thì dàn đồng ca mùa hè bỗng râm ran lấn át cả tiếng cô làm Hoàng-tên bàn chót thường xuyên ngủ gật dường như tất cả các môn giật mình rời giấc mộng đầy nuối tiếc ngơ ngác nhỏm dậy gãi đầu. 70% học sinh trong lớp tỏ ra phấn khởi tột độ bằng nụ cười toe toét trên mặt và đập tay nhau ăn mừng không hề nhỏ hơn tiếng ve kêu ngoài kia, thậm chí là to hơn nữa kià. 20% thành viên thì có cách ăn mừng lịch sự hơn bằng việc thở dài nhẹ nhõm và mỉm cười mãn nguyện như Minh - cậu bạn lớp trưởng - chẳng hạn. 10% còn lại là gương mặt cau có khó chịu vì bài giảng đang cuốn hút bỗng bị cắt ngang.Trong 10% đó có tôi - đứa yêu Văn như thuyền yêu biển và quyết tâm đầu quân cho khối C - thì làm sao chấp nhận cho cái hiện thực bất công đó khi nhìn mấy đứa bạn ăn mừng cho rằng ông trời đúng là có mắt và rất yêu...con người.


Trước "trái bom bị châm ngòi",cô chỉ biết cười khổ rồi chống cằm nhìn từng nhất cử nhất động của bọn quỷ sứ lớp nó.Thế mà tới tiết Toán của "giáo chủ" thì ve lặn đi đâu hết để mặc tôi ôm đầu đau khổ vật lộn với mấy cái logarit và hình không gian có mà ngồi nhìn cả ngày tôi cũng không làm nổi câu cuối cùng.Nhưng cuối cùng,độ nhân đức của tôi cũng được ông trời thấy được khi còn gần 10 phút nữa hết tiết thì tiếng ve đâu đó nổi lên rầm rộ. Đang định quay sang nhỏ bạn ăn mừng thì nhìn thấy cả lớp mặt ai dài cũng dài ra như ống bơm,méo mó nhìn tội trông thấy,thế là tôi lại nằm bẹp xuống bàn mỉm cười ăn mừng một mình vì sợ bị hội đồng. Ông trời vẫn bất công!...


Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày lo lắng và dần tăng lên theo cấp số nhân khi đề bài thầy cô cho làm càng ngày càng khó, càng nhiều dạng. Đối với những đứa theo ban Xã hội như tôi thì chỉ ngồi học thuộc (mặc dù cũng hơi khó nhai) và tìm các dạng bài mấy năm trước, đọc văn,... nên còn đỡ áp lực chứ như hơn phân nửa thành viên lớp tôi đi theo ban Tự nhiên thì mặt đứa nào cũng xanh lè, làm không được một bài mà mặt chực muốn khóc, chạy đôn chạy đáo học thêm, một môn mà lãnh giáo cả ba bốn thầy vì mỗi người đều có... tinh hoa riêng. Thế là kể cả giờ ra chơi hay chào cờ, đâu đâu cũng thấy lài liệu, sách vở bày đầy ra, vò đầu bứt tai giải đi giải lại cho thuộc dạng mới thôi... Vì thế mà '' ma giáo '' chúng tôi chẳng khác gì đã tới lúc suy yếu khi những trò phá phách, mè nheo thầy cô không còn nữa...


***


Ngày 8 tháng 3 vừa qua, con trai lớp tôi đến lớp thật sớm, đứng ở trên lầu thả một cây tre khô có móc sắt xuống khi thấy con gái lớp tôi:


- Ấy ơi! Móc cặp vào đi để tụi này mang lên cho.


Chúng tôi ngơ ngác giã đầu, ngượng ngùng xen chút tự hào khi thấy các bạn lớp khác nhìn mình chằm chằm. Ai dễ thương bằng con trai lớp tôi chứ!... Khi lên lớp thì đã thấy 15 thằng con trai đứng chờ, đưa tay mời vô lớp. Lớp học thì sạch bong, trang trí đầy bong bóng với băng-rôn: CHÚC MỪNG NGÀY CỦA MỘT NỬA THẾ GIỚI VÀ 2/3 LỚP 12A4. Chúng tôi phì cười với cái khẩu hiệu đó nhưng không phải không có lí do khi cái số hai phần ba đó được đưa vào vì con gái lớp tôi có tới ba mươi người trong khi con trai thì chỉ có mười lăm thôi. Khi con gái lớp tôi đã đến đầy đủ thì đám con trai lần lượt xếp hàng trên bục giảng, tay mỗi đứa cầm hai hộp quà bắt đầu ngân tiếng hát ngang phè tặng toàn thể chúng tôi bài '' Em trong mắt tôi '' rồi xuống tặng mỗi đứa một hộp quà. Khỏi phải nói chúng tôi hạnh phúc thế nào khi nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của mấy đứa bạn lớp khác đang nhòm qua ô cửa sổ. Chúng tôi lần lượt bóc quà trọng sự phấn khởi của lũ con trai: một đôi dép lào và một cây kẹo mút. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn chúng nó thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ:


- Sắp tới trại hè rồi, tụi này tặng cho mấy bạn làm dép lớp luôn, khỏi phải đi mua.


Đã nói rồi mà, làm gì lớp nào có con trai dễ thương bằng lớp tôi cơ chứ! Hôm đó, cô nào có tiết dạy thì đều nhận được một bó hao hồng đỏ thắm và đều trầm trò khen lớp tôi giống như một... nhà trẻ vì bóng bóng, hạc giấy và cả hình được dán rải rác cả ba bức tường (trừ bức tường mà nơi đó ngự cái bảng đen). Thầy chủ nhiệm thì bước vào lớp với cái mặt giận dỗi thấy rõ, buông ra một câu hết sức liên quan:


- Tại sao không có ngày Quốc tế chính nam nhỉ? (Vì theo thầy có '' phụ nữ '' rồi thì cũng phải có '' chính nam '')


Thế là lớp tôi phải xoa dịu thầy bằng cách cử lớp trưởng đại diện lên tặng cho thầy cây kẹo mút, thầy cốc đầu lớp trưởng, cười toe toét:


- Mấy đứa này bày vẽ thật. Mặc dù hôm nay không phải ngày chính nam nhưng đã có lòng tặng thì thầy nhận. Không được đòi lại nghe chưa?


rồi thầy bóc kẹo mút ngon lành...


Đến cuối giờ học, khi chỉ còn tôi và Minh cùng nhau dọn dẹp bàn giáo viên, tôi bắt bẻ cậu bạn:


- Tại sao là bài '' Em trong mắt tôi '' mà không phải bài nào khác?


- Ừ thì tại thấy nó hay! Phù hợp!


- Phù hợp? Chỗ nào?


Minh gãi đầu là rối tung mái tóc đã vốn dĩ đã vốn dĩ không thành nếp, mặt đỏ gay:


- Ừ! Chỗ nào cũng phù hợp hết.


rồi cầm khăn trải bàn và bình hoa biến mất để lại trong tôi một dấu chấm hỏi to đùng...


Và những đôi dép lào ấu cũng được sử dụng trong ngày hội trại trường theo đúng mục đích của nó. Bốn mươi sáu con người (cả thầy Chủ nhiệm) với bốn màu khác nhau: xanh, vàng, tím và trắng. Áo lớp, mũ lớp, dép lớp đều được lớp tôi sử dụng triệt để đánh trống hù đội bạn, thể hiện sự đoàn kết. Dù hội trại trùng với ngày kiểm tra giữa kì nhưng lớp tôi vẫn hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ. Bằng chứng là mặt đứa nào cũng tươi rói như ông mặt trời đương lúc trưa nắng gắt và trại lớp tôi được trang trí thật đẹp và tràn đầy màu sắc. Trại của mỗi lớp là tên của một vị anh hùng, như lớp tôi thì là người dẹp loạn mười hai sứ quân - Đinh Bộ Lĩnh. Để thể hiện sức mạnh, lớp tôi hò hét:


- Đinh Bộ Lĩnh tuyệt nhất! A4 giỏi nhất!


Dòng khí huyết đang bừng bừng khí thế thì có tiếng hô hào khác to không kém vọng đến:


- Hai Bà Trưng tuyệt hơn! A1 giỏi hơn!


Phá đám đây mà! Bốn mươi lăm con người lớp tôi bực mình chống nạnh chống trả:


- Có Hai Bà Trưng rồi lại muốn có thêm hai con voi hả? Ở đây không có đâu mà xin!


Bên kia cũng không vừa:


- Có Đinh Bộ Lĩnh rồi còn muốn có thêm cỏ lau hả? Ở bên này không có cỏ lau, chỉ có giẻ lau thôi. Lấy không?


Đang bực mình vì bị ngắt ngang dòng khí huyết bừng bừng cộng thêm sự khích tướng của đội bạn và với cái tuổi mười bảy tràn đầy sức xuân, lớp tôi gồng lên hét to hơn:


- Đinh Bộ Lĩnh tuyệt nhất! A4 giỏi nhất!


và A1 cũng gồng theo:


- Hai Bà Trưng tuyệt hơn! A1 giỏi hơn!


lấn áp luôn cả tiếng của dàn âm thanh đang chạy thử làm ầm ĩ cả sân trường. Thầy Quản sinh vác loa tay tất tả chạy tới hét:


- Ai cũng tuyệt hết! Lớp nào cũng giỏi hết! Bây giờ hai lớp muốn cùng nhau trực lao động trường tuần sao không?


rồi hạ loa xuống nói với chúng tôi:


- Bây giờ còn muốn hét hò gì nữa không?


Chúng tôi lắc đầu lia lịa. Có chắc thắng cũng chẳng dám hét, có ai ngu đến nỗi mà hét khô cả cổ để tuần sau cầm chổi quét sân trường và ngồi nhổ cỏ lúc một giờ chiều không? Không! Chúng tôi thay khẩu ngữ bằng khẩu hình thông qua cái nắm đấm dí về phía đối phương, mắt thì trơn lên vẻ đe dọa. Thầy quay sang nhìn lớp tôi:


- Còn vậy nữa, cả trường nhìn mấy đứa kìa! Thấy quê chưa?


Chúng tôi nhìn xung quanh rồi lủi vào trại đội. Ừ thì cũng quê nhưng chỉ là... hơi hơi thôi. Dù gì cũng là đàn anh đàn chị trong trường mà, ai có bản lĩnh dám trêu chọc thì bước lên đây nào?


Đến bốn giờ thì hội trại bắt đầu. Xui xẻo sao lớp tôi lại bị xếp cạnh A1. Thế là trận chiến lại nổ ra. Đến tiết mục của A1 chúng tôi đồng thanh:


- Èo! Dở qua! Xuống đi!


và tới tiết mục của lớp tôi thì cố gắng lấy hơi cổ vũ để lấn át lời chê bai của đội bạn. Từ chê bại các tiết mục Văn nghệ của nhau chúng tôi quay sang đấu khẩu:


- A1 mắt chột!


- A4 lồi rốn!


- A1 mắt chột!


- A4 lồi rốn!


... cho đến khi chấm dứt các tiết mục Văn nghệ để chơi các trò chơi mà Đoàn trường đã chuẩn bị...


Mọi việc đang diễn ra hết sức suôn sẻ với trò chơi tiếp sức thì đôi dép lào màu xanh của Trang dở chứng. Trang cầm chiếc dép đứt quay sang lũ con trai hậm hực:


- Đã tặng thì phải tặng đồ tốt chứ!


chúng nó gãi đầu cười cười hối lỗi, còn có mấy đứa thì thầm với nhau: '' Có mấy ngàn một đôi, nó chạy như trâu điên mà không đứt mới là lạ ''. Thế là xong, nội chiến xảy ra. Ban cán sự lớp (trong đó có tôi) chen vào giữa can ngăn thì bị mấy đứa (cả hai phe) đánh túi bụi không biết trời trăng gì vì tưởng thuộc phe kia!!!...