Snack's 1967
Đâu phải ai cũng được bình yên

Đâu phải ai cũng được bình yên

Tác giả: Sưu Tầm

Đâu phải ai cũng được bình yên


Ba đứa cứ thế lững thững bước về phía biển. Lặng thinh.


Hoàng ngồi im lặng, nhìn biển. Nhân lấy ngón tay vẽ hình mấy mặt người trên cát.


- Đây là tao! Đây là mày! Đây là thằng Hoàng! Đây là nhỏ Quyên!


Long liếc xuống mấy hình vẽ của Nhân.


- Sao mày không học tiếp? Uổng phí một tài năng của đất nước. – Long nheo mắt, rồi vạch thêm vài cọng râu lún phún trên gương mặt được coi là của mình


- Mày làm như ai cũng có điều kiện như mày với thằng Hoàng vậy đó...


Rồi Nhân thở dài.


- Mẹ tao cũng kêu vay vốn cho tao đi học, nhưng mà...tao còn năm đứa em, mày biết đó, mình đi học mà để em út nheo nhóc sao học nổi. Nên thôi! Mà đi biển cũng hay mà! Chỉ có điều cực chút thôi!


Tất cả lại chìm vào im lặng. Vùng biển này, nhiều năm về trước, là cả một khoảng trời kỉ niệm của Nhân, Hoàng, Long và Quyên. Vậy mà bây giờ, chỉ còn lại ba tên con trai đang ngồi và tiếc nhớ về những tháng ngày xa xôi ấy.


......


Lớp ban A – 10A1


Quyên bước vào, tươi rói thông báo lịch thi bóng đá của toàn trường nhân dịp 20 tháng 11. Long và Hoàng đang mải đánh ca-rô bằng vở học thêm Toán của Nhân nên không quan tâm đến việc Quyên đang gào thét tên mình thảm khốc.


- Trả vở cho Nhân và đi tập bóng vào chiều nay, sau giờ học thêm Lý. – Quyên nhéo tai Hoàng và Long thông báo.


- Ui da! – Hoàng nhảy dựng - Bà làm như nam nhi lớp này chết hết rồi hay sao á, suốt ngày kêu réo hai đứa tui đi đá bóng là sao? Kêu thằng Nhân đi, nó rảnh kìa, chiều nay tụi tui bận rồi!


- Bận gì? – Quyên liếc Hoàng


- Ừ thì.... – Long ấp úng – Hoàng nó nhờ Long chỉ cho cách phân tích bài thơ "Tôi yêu em" của Puskin... Quyên nói Nhân đi...


- Lý do không chính đáng – Quyên đập bàn - Lớp chỉ có mười lăm tên con trai mà cứ đùn đẩy nhau là sao? Chiều không đi tui méc cô à nha! Còn Nhân được thầy bí thư cử đi thi "Nét vẽ thành phố biển" rồi. Khỏi thắc mắc! Chấm hết!


Quyên bỏ đi. Sực nhớ ra điều gì, Quyên quay lại.


- Còn nữa, "Tôi yêu em" của Puskin nằm trong sách Ngữ Văn lớp mười một chứ không phải lớp Mười, há!


Long cười hì hì. Nhân ngớ người rồi lập cập giựt lại cuốn tập trong lúc Hoàng và Long đang vò đầu bứt tai. Nhân vừa lật lật vừa xuýt xoa vì cuốn vở mới ghi quá nửa mà đã bị trưng dụng để chơi mấy cái gọi là "Trò chơi trí tuệ" của Hoàng và Long.


- Trời đất ơi, vợ iu dấu của tui – Nhân nhăn nhó nhìn mấy tờ giấy nham nhở vì trò chơi caro của hai tên bạn – Hai đứa mày chơi trò gì trí tuệ hơn đi, hao vở tao quá à!


- Mày nghĩ có trò nào trí tuệ hơn ca-rô nữa chứ? – Hoàng giật cuốn vở từ tay Nhân


- Có – Nhân nheo nheo mắt – hai đứa bay chơi ....búng thun đi. Tao ủng hộ năm trăm đồng tiền mua thun. Há!?


Nói rồi Nhân giật lại cuốn vở chạy biến. Long nhìn Hoàng, nhăn nhở.


- Chơi không mày?


- Chơi gì? – Hoàng trố mắt


- Thì thằng Nhân nói đó...chơi búng thun


- Mày có hơi bị điên không vậy? – Hoàng hét lên – lấy vở ra, mau!


- Vở gì bây giờ? – Long nhăn nhó


- Vở địa.- Theo tao biết thì mày có mấy khi chép bài đâu.


Long đành lục cặp, lôi cuốn vở ra. Hai thằng lại tiếp tục xanh xanh đỏ đỏ.


Trong lớp 10A1 này, có lẽ bộ tứ Hoàng, Long, Nhân, Quyên là hạnh phúc nhất. Vì trong khi đa số các thành viên trong lớp chỉ mới quen nhau được vài tháng thì bộ tứ đã thân nhau từ thời mẫu giáo. Nhà bốn đứa gần gần nhau, ba mẹ cũng quen biết nhau, từ nhỏ tới lớn làm gì cũng cùng nhau hết, đến nỗi mục tiêu vào lớp chọn của trường điểm này cũng vậy. Thậm chí lời thề của ba anh hùng và một mỹ nhân này là "tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện học cùng trường cùng lớp ngồi cùng bàn". Đến nay là năm thứ mười, lời thề đó chưa hề bị một thế lực nào có thể phá vỡ.


Đâu phải ai cũng được bình yên


So với nhóm, thì nhà Hoàng và Long khá giả hơn cả. Ba mẹ Hoàng đã tính toán luôn khoản sẽ mua nhà ở Sài Gòn để Hoàng tiện học đại học. Long thì có anh trai đang du học ở nước ngoài, và ba mẹ cũng dự định cho Long qua đó sống với anh, nhưng Long không muốn. Nhà Nhân khó khăn nhất, vì Nhân là con cả, sau Nhân còn năm đứa em mà đứa út mới học mầm non. Ba Nhân mất trong một lần đi biển,để lại mẹ Nhân một tay nuôi nấng sáu anh em. Vậy nên, dù muốn lắm, nhưng Nhân phải gác chuyện học sau phổ thông để chăm lo gia đình cùng mẹ. Nhà Quyên là vựa buôn bán trái cây, sống trong một khu phức tạp của bến xe, suốt ngày văng vẵng bên tai là những lời chửi bới của dân buôn bán nhậu nhẹt và đề đóm, chứng kiến cảnh những người dân lam lũ giành giật nhau từng vị khách. Ba mẹ Quyên cũng là nạn nhân của bài bạc và số đề nên làm ra được bao nhiêu lại chia nhau chơi bời bấy nhiêu, chỉ để lại cho Quyên đủ tiền đóng học, mua sách vở, may quần áo và vài nhu cầu cá nhân khác.


Lý do mà ba vị anh hùng chơi thân với mỹ nhân này có lẽ là cảm phục. Sống trong môi trường và gia đình như thế, vậy mà chưa bao giờ các anh hùng nghe một từ không hay nào thốt ra từ miệng nàng mỹ nhân này. Trái lại, Quyên rất dịu dàng, khắt khe với bản thân và là một người chị mẫu mực cho đứa em mới lên bảy, lứa tuổi rất dễ sa đà vào những thói quen không hay của người lớn. Bốn đứa lúc nào đi đâu làm gì cũng có nhau nên đi học luôn là nhóm bạn cùng tiến mẫu mực của lớp.


Ba anh hùng còn mến Quyên ở điểm: chăm sóc mọi người rất chu đáo. Những ngày đội bóng của lớp tham gia thi đấu cho các giải thể thao cấp trường hay cấp huyện, Quyên đều đi theo cổ vũ, rồi làm nước chanh, rau câu, trái cây mang theo để các cầu thủ "có tinh thần" và "đầy đủ dưỡng chất". Và dĩ nhiên là có chút thiên vị, phần của Hoàng và Long lúc nào cũng nhỉnh hơn các cầu thủ khác chút đỉnh. Đối với Nhân lại khác. Quyên mua bút màu, màu nước, bút chì và giấy A4, bản vẽ tặng Nhân. Có lần Quyên làm Nhân suýt khóc khi nhờ anh họ trên thành phố mua và gửi về một hộp màu nước xịn để Nhân tham dự cuộc thi vẽ cấp tỉnh... Với những đặc tính đó, từ nhỏ tới lớn, Quyên luôn là lớp trưởng của ba anh hùng và năm nay được cô chủ nhiệm tin tưởng giao cho làm lớp trưởng luôn trong ba năm cấp ba sắp tới này.


Lần thi đấu lần này giữa lớp 10A1 chuyên tự nhiên và lớp 10C17 – chuyên xã hội cũng không ngoại lệ. Quyên thức dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn thức uống cho các cầu thủ lớp mình một cách chu đáo. Quyên còn thiết kế mấy sợi ruy băng đỏ chót và bắt cầu thủ lớp mình đeo tay để thể hiện quyết tâm chiến thắng và đoàn kết của lớp tự nhiên.


- Xời, mấy thằng xã hội đó yếu xìu à, bà cứ lo bò trắng răng – Hoàng vừa nhai ngồm ngoàm vừa nhận xét.


- Không có chủ quan khinh địch – Quyên liếc xéo Hoàng.


- Hê, còn cái này nữa, nhìn như...đi cổ động chứ không phải là đi đá banh nữa ý... - Hoàng lắc lắc cánh tay cột dây ruy băng đỏ.


- Có để yên mà đi thi đấu không thì bảo? – Quyên gầm gừ, ánh mắt đầy vẻ hù dọa, tiện tay thắt luôn sợi dây thành cái nơ và gài thêm một bông hoa nhỏ xíu lên đấy. Hoàng rụt cổ, không ý kiến lôi thôi nữa.


Để cho có tinh thần đồng đội, Quyên kêu gọi cả lớp cùng đi cổ vũ (và dĩ nhiên cũng phải cột dây ruy băng ở tay).